Bóng đá Việt Nam cần cầu cứu thầy ngoại?

(Dân trí) - AFF Cup 2012 ghi dấu ấn cho bóng đá Việt Nam với giải đấu tồi tệ nhất trong lịch sử. Một vấn đề lớn cần được đặt ra và cần mổ xẻ lúc này là liệu chúng ta có cần chất xám đến từ thầy ngoại?

 

(Minh họa: Vũ Toản)

(Minh họa: Vũ Toản)
 
Hơn 20 năm kể từ ngày hội nhập, Việt Nam đã trải qua 3 đời HLV nội ở các giải đấu lớn cấp độ châu lục và đều thất bại. Năm 1991 ở SEA Games 16 dưới thời ông Nguyễn Sỹ Hiển, chúng ta giành 1 điểm/3 trận và bị loại ở vòng bảng. Hai năm sau tại SEA Games 17, Việt Nam chiến thắng Philippines nhưng rồi cũng lỗi hẹn trong nhóm 4 đội mạnh nhất. Đến AFF Cup 2012, chúng ta dùng thầy nội Phan Thanh Hùng và lịch sử lặp lại: thua 2, hòa 1 và về nước một cách ê chề, tủi nhục.

Không phải ngẫu nhiên, bóng đá Việt Nam phải sử dụng thầy ngoại suốt hai thập kỷ, bởi thần kinh thép, phong cách hiện đại đến từ châu Âu mới có thể nâng tầm bóng đá nước nhà . Ông Weigang đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá Việt, Riedl dù chỉ mang danh “về nhì” đã duy trì bóng đá Việt Nam luôn ở giai đoạn đỉnh cao, Colin Murphy ít nhiều cũng tạo được những dấu ấn khác biệt. Henrique Calisto mang đến thành công rực rỡ với chức vô địch AFF Cup 2008 duy nhất trong lịch sử. Thất bại đến từ Dido, Tavares hay Falko Goetz chỉ là hãn hữu, nhưng dù sao còn ở mức chấp nhận được. Vậy vì đâu mà chúng ta lại không tìm kiếm thầy ngoại và tự tin thái quá vào năng lực của HLV nội?

Không ai phủ nhận HLV Phan Thanh Hùng đã nỗ lực suốt 3 tháng qua và VFF phần nào đúng khi tin rằng ông sẽ hiểu được tâm lý, suy nghĩ và thúc đẩy các học trò chơi tốt hơn. Nhưng kết quả đã cho đáp số ngược lại, thời ông Hùng nội bộ đội bóng khá rối loạn, trò không nghe thầy, lối chơi tự phát và cuối cùng, bóng đá Việt Nam trải qua một kỳ AFF Cup đáng xấu hổ nhất lịch sử.

Lấy ví dụ như thời HLV Calisto, những chuyện lùm xùm nhóm 4 cầu thủ Văn Quyết, Ngọc Duy, Quang Hải, Tấn Tài phản ứng với Ban huấn luyện sau trận thua Thái Lan, hay Công Vinh không thèm đi giầy khi biết bị xếp đá dự bị, không bao giờ xảy ra. Các thầy ngoại luôn có những nguyên tắc nghiêm ngặt về vấn đề kỷ luật, họ không bao giờ thay đổi quyết định của mình trước mọi sức ép. Việc HLV Tavares hồi năm 2004 thẳng thừng loại Văn Quyến bất chấp dư luận là một minh chứng rõ nét nhất.

Hình ảnh ông Hùng bất lực và rơm rớm nước mắt bước vào phòng họp báo sau trận thua Philippines cho thấy một HLV nội không thể chịu đựng được sức ép ghê gớm khi thất bại. Bản thân ông cũng không ngăn nổi làn sóng phản ứng từ các học trò, thậm chí ở những người được coi là trò ruột tại Hà Nội T&T như Ngọc Duy, Văn Quyết. Ban lãnh đạo VFF mà điển hình là Tổng thư ký Ngô Lê Bằng khẳng định thời điểm này khó tìm ai tốt hơn ông Hùng ở Việt Nam, nhưng tại sao chúng ta không trở lại với văn hóa “thầy ngoại” vốn ít khi để bóng đá nước nhà rơi vào cảnh ê chề như vậy?

Nhìn sang xứ người, nước Anh vốn vỗ ngực coi mình là quê hương của bóng đá, vẫn phải tìm kiếm thầy ngoại như Sven Goran Erriksson, Fabio Capello vì HLV nội địa không đáp ứng được kỳ vọng chuyên môn. Real Madrid danh giá vì danh hiệu cũng phải viện đến các “khối óc ngoại quốc” Luxemburgo, Schuster, Pellegrini và nay là Jose Mourinho. Ở Đông Nam Á, ngoài Malaysia thì Thái Lan, Philippines, Myanmar cũng chọn “thuyền trưởng” là người nước ngoài để vươn đến tầm cao mới.

Đông Nam Á vẫn là vùng trũng của bóng đá thế giới và Việt Nam hiện nay trình độ chỉ ở mức trung bình ở khu vực này. Khi khả năng chuyên môn và tư duy còn hạn chế, tôi thiết nghĩ giải pháp thầy ngoại, chất xám ngoại sẽ là phương án hữu hiệu để chúng ta trở lại đỉnh cao khu vực trước khi nghĩ đến một tương lai xa xôi hơn. Thất bại tủi hổ trên đất Thái Lan liệu có khiến cơ quan quản lý bóng đá ở Việt Nam hiểu rõ vấn đề và tìm cách khắc phục, hay chỉ là sự mổ xẻ chiếu lệ cho xong?

 

Kiều My

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!