Bộ trưởng nên “vi hành” thay vì “công khai hành”
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có đợt đi kiểm tra hai bệnh viện lớn ở Hà Nội sáng 23.1.
Một trong những thông tin mà Bộ trưởng nhận được, đó là thái độ không tốt của bác sĩ ở tuyến dưới. Bệnh nhân Chu Tuyết Nhung, hơn 60 tuổi ở Huyện Yên Thế “méc” với Bộ trưởng rằng: “Tôi rất bất bình vì bác sĩ ở Bắc Giang cứ mắng tôi xơi xơi. Rõ là tôi ốm, rất mệt, sốt cao đau đầu nhưng cứ bảo tôi là không có bệnh”.
Không phải nghe qua rồi bỏ, ngay trong chiều ngày 23.1, lãnh đạo Cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế dã điện thoại đến lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang đề nghị khẩn trương làm rõ sự việc, chấn chỉnh hoạt động đường dây nóng và tinh thần phục vụ người bệnh tại các bệnh viện của tỉnh Bắc Giang.
Nhưng không thể một cú điện thoại nhắc nhở là xong. Vấn đề là phải tìm ra bác sĩ nào đã mắng bà cụ, có hay không, mức độ như thế nào và xử lý cụ thể, báo cáo với Bộ trưởng sớm nhất. Nếu chỉ chấn chỉnh bằng miệng thì sẽ không có tác dụng. Câu chuyện bà cụ bị mắng khi đến bệnh viện không phải là đơn lẻ mà khá phổ biến. Xử lý thật nghiêm một vài trường hợp mới mong cải thiện được tình hình.
Dư luận đang chờ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải quyết vụ khiếu kiện tại chỗ của bệnh nhân Chu Tuyết Nhung.
Chuyến đi “thị sát” của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đến hai Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức rất được hoan nghênh. Nhưng tốt nhất, để đúng với bản chất và ý nghĩa của từ “vi hành”, Bộ trưởng nên chọn một vài bệnh viện có phản ánh tiêu cực hay chăm sóc bệnh nhân chưa tốt, âm thầm (bí mật càng tốt) đến, không tùy tùng, không báo cho cơ sở biết. Được như vậy, Bộ trưởng sẽ nắm rõ hơn, cụ thể hơn, sâu sát hơn. Nếu mọi sự đều được báo trước, chuẩn bị trước thì còn gì là “vi hành” nữa, mà đó đó là “công khai hành”.
Đi thị sát, nắm rõ từng trường hợp, phát hiện vụ việc và xử lý ngay lập tức, chắc chắn sẽ khắc phục được những tồn tại hiện nay.
Tuy nhiên, cũng không nên đổ hết lên vai Bộ trưởng. Với vai trò đứng đầu ngành y tế, chắc chắn Bộ trưởng có rất nhiều việc. Cho nên, các thứ trưởng, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng có thể “vi hành”, nhưng nhớ là đừng rình rang “công khai hành” mà hỏng việc, chỉ mất thời gian của bên đi thăm và bên đón tiếp mà thôi.
Còn nữa, giám đốc Sở Y tế các địa phương cũng nên xếp lịch, thi thoảng bí mật đến kiểm tra một bệnh viện và xử lý ngay tại chỗ nếu có trường hợp bác sĩ chăm sóc, phục vụ không tốt.
Được như thế thì dân nhờ biết mấy.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!