Bộ Tài chính nên “đầu tàu gương mẫu”!

(Dân trí) - Nếu Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc, chắc chắn các bộ, ngành và địa phương khác cũng phải làm theo. Một quyết định do Chính phủ ban hành không phải là “lời nói khơi khơi”, làm cũng được mà không cũng được.

 

Bộ Tài chính nên “đầu tàu gương mẫu”! - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Theo tính toán của Bộ Tài chính, một xe công trung bình mỗi năm sẽ tốn chi phí vào khoảng 320 triệu đồng/xe để chi trả lương lái xe, hao mòn, sửa chữa, xăng dầu… Như vậy, với 40.000 xe công, mỗi năm sẽ tiêu tốn khoản tiền ngân sách lên tới 12.800 tỷ đồng chưa kể xe dùng cho lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước. Nếu cộng cả số xe này, chắc chắn con số phải lớn hơn rất nhiều.

Đó là thông tin dược đăng tải trên báo Dân trí ngày 23/10, bài “40.000 xe công tiêu tốn gần 13.000 tỉ đồng ngân sách mỗi năm” của tác giả Phương Dung.

13.000 tỉ là khoản chi phí rất lớn cho lĩnh vực này không chỉ với Việt Nam, một nước còn nghèo, đời sống kinh tế còn khó khăn mà cả với những nước có nền kinh tế lớn.

Nhất là trong điều kiện kinh tế hiện nay, ngân sách nhà nước, theo con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh thì chỉ “dôi” ra khoảng 45.000 tỉ đồng.“45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”. Ông Vinh nói.

Để khắc phụ tình trạng này, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 32 (có hiệu lực từ 21/9/2015) với nhiều quy định khắt khe và hợp lý hơn để quản lý việc mua sắm, sử dụng xe công hiện nay.

Theo đó, không tăng số lượng xe công và siết chặt điều kiện sử dụng hơn trước. Mỗi đơn vị sẽ chỉ có một đến hai xe phục vụ công tác chung. Theo tính toán, hiện có 24.460 xe đang được phục vụ công tác này và có thể sẽ giảm 7.000 chiếc.

Với quyết định mới, chỉ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được dùng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.

Thực ra, Quyết định 32 không mới, thậm chí còn có nhiều điểm trùng với Quyết định 59 khoán xe công vào lương cho cấp thứ trưởng (ở cấp tỉnh là từ phó chủ tịch HĐND và UBND trở xuống) ban hành từ năm 2007.

Năm 2014, vấn đề này lại một lần nữa được nêu lên tại Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trước UB Thường vụ Quốc hội.

Khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đề xuất: “Quản lý tập trung sẽ giúp đầu xe giảm đi, lái xe cũng giảm đi, người được hưởng chế độ cũng có quyền lựa chọn, hướng tới việc cho doanh nghiệp tư tham gia vào cung cấp dịch vụ công này. Nhà nước thuê xe của doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí mua, sửa chữa, bảo dưỡng, quản lý. Còn tiếp tục “phân bổ” quỹ xe công thì tình trạng lãng phí sẽ vẫn tiếp tục. Khoán xe công, vì thế, dù đã thực hiện lâu nay nhưng chưa thực sự hiệu quả vì chưa áp dụng quản lý tập trung”.

Tóm lại, Quyết định 32 cách đây 8 năm hay Quyết định 59 vừa trình Chính phủ đều có mục đích rất rõ ràng là giảm tối đa lãng phí trong lĩnh vực này. Đây là những quyết định đúng đắn, hợp lý, hợp tình, hợp với chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí...

Tuy nhiên, điều nghi ngại nhất hiện nay, đó là quyết định một đằng, làm một nẻo hoặc… không làm.

Sự nghi ngại này không phải không có cơ sở bởi với Quyết định 59, đã 8 năm trôi qua (5/2007 – 10/2015) mới có duy nhất một người thực hiện. Đó là ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện ông Thuận đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay.

Ngạc nhiên hơn khi biết ngay cả “tác giả” của đề xuất này là Bộ Tài chính, cơ quan ban hành chính sách cũng không có cá nhân nào gương mẫu thực hiện chính sách khoán này.

Mong rằng nếu Chính phủ đồng ý phê chuẩn Quyết định 32, Bộ Tài chính (tác giả hai lần của ý tưởng này) sẽ là nơi đầu tiên thực thi chính cái “sản phẩm” của mình.

Nếu Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc, chắc chắn các bộ, ngành và địa phương khác cũng phải làm theo.

Một quyết định do Chính phủ ban hành không phải là “lời nói khơi khơi”, làm cũng được mà không cũng được.

 

Bùi Hoàng Tám