Bổ nhiệm cán bộ thời… "Câu đương", "tháo khoán"!
(Dân trí) - Thanh Hóa mấy năm gần đây có quá nhiều vụ lình xình. Nào dê lạc vào nhà Bí thư huyện ủy, cán bộ xã ăn chặn từ gói mỳ tôm cứu trợ của dân, lãnh đạo bổ nhiệm kiểu “nâng đỡ không trong sáng”… và gần đây nhất, lại chuyện một Giám đốc Sở bổ nhiệm kiểu "tháo khoán" trước khi về hưu.
Thật ra, chuyện bổ nhiệm kiểu “nhiệm kỳ hoàng hôn”, “chuyến tầu vét” ở ta không mới. Nó đã từng xuất hiện tại nhiều nơi như TP Hồ Chí Minh với vụ ông Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Thành Rum hay với hai đời Tổng Thanh tra Thanh tra Chính phủ là các ông Trần Văn Truyền và Huỳnh Phong Tranh mỗi vị trước khi về hưu đều bổ nhiệm “vét” hàng chục cán bộ.
Báo chí lên tiếng, dư luận phản đối, cứ ngỡ “môn phái” này đã “giải nghệ” thì gần đây, nó lại “tái xuất giang hồ” mà gần đây nhất là ở Thanh Hóa.
Theo phản ánh từ báo Dân trí, trước khi nghỉ hưu, ông Lê Như Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định bổ nhiệm hàng loạt cán bộ vào các vị trí lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo chi cục thuộc Sở.
Điều đáng lưu ý là việc bổ nhiệm này không chỉ… thần tốc mà còn vi phạm các tiêu chuẩn như chưa đủ tuổi theo qui định đối với người sử dụng bằng tại chức, thiếu bằng cấp, không qua thi tuyển hay bổ nhiệm cả những người đã bị kỉ luật nhiều lần…
Được biết mới đây, ông Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng giao cho ông Giám đốc Sở Nội vụ kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin báo chí nêu về việc bổ nhiệm bất thường này đồng thời căn cứ quy định của pháp luật đề xuất hướng xử lý vi phạm nếu có.
Với chỉ đạo này, nếu theo lẽ thông thường thì sự việc chắc chắn sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, với Thanh Hóa thì người viết bài này xin nói thật là chưa tin tưởng lắm. Lý do, “Một sự thất tín, vạn sự bất tin”.
Tại vụ bà Trần Thị Quỳnh Anh, lúc đầu Thanh Hóa chỉ kỉ luật ông Phó Chủ tịch tỉnh Ngô Văn Tuấn ở mức… khiển trách. Cho đến khi UBKT Trung ương vào cuộc thì ông Tuấn mới bị mất chức.
Trở lại với việc bổ nhiệm mới đây, ơ hay, nếu như một khi có bổ nhiệm kiểu “tháo khoán” thì vị quan chức đó sẽ là quan chức… tháo khoán chứ nhỉ?
Nhớ lại ngày bé đọc giai thoại kể về ông Trần Thủ Độ, khi quốc mẫu xin cho một người được làm chức quan nhỏ ở xã, Trần Thủ Độ đồng ý rồi gọi người đó lên: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt!”.
Học hỏi người xưa, hay là từ nay để phân biệt quan chức “tháo khoán”, quan chức bổ nhiệm thời “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét”… nên yêu cầu ghi vào lý lịch kèm theo các “chức danh”... "tháo khoán" hay "Câu đương" cho nó minh bạch nhỉ?
Bùi Hoàng Tám