Bỏ lọt tham nhũng, thanh tra không thể vô can

(Dân trí) - Đã có nhiều vụ việc, trước đó thanh tra đưa ra kết luận tốt đẹp, nhưng sau đó đổ bể ra vụ án tham nhũng lớn. Vậy trách nhiệm của thanh tra ở đâu, có nên xử lý hay không?...

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Tại hội nghị triển khai Luật phòng chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội ngày 23/1, nhiều ý kiến cho rằng cử tri cả nước rất quan tâm đến hiệu quả của phòng chống tham nhũng. Để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, cần phải có vai trò của thanh tra. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc, trước đó thanh tra đưa ra kết luận tốt đẹp, nhưng sau đó đổ bể ra vụ án tham nhũng lớn. Vậy thì, trách nhiệm của thanh tra ở đâu, có nên xử lý hay không?

 

“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về việc này để tránh tình trạng như Vinashin, Vinalines - kiểm toán, thanh tra trước đó cũng vào cuộc nhiều lần mà không phát hiện vấn đề gì. Cứ để như vậy, khi vụ việc tham nhũng xảy ra mà thanh tra trước đó vẫn vô can thì chúng tôi rất băn khoăn” - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu.

 

Đối với các vụ sai phạm và tham nhũng trên, quả thực không ai có thể chấp nhận cho thanh tra là vô can. Vụ Vinashin, Vinalines quá lớn, hàng núi tiền đổ xuống biển, nhiều con tàu thành đống sắt vụn trên biển, thế mà thanh tra không “phát hiện thấy vấn đề gì” là rất không bình thường. Thanh tra không phát hiện ra tham ô, tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong khi đơn vị đó có cả “một đống tội” thì thanh tra để làm gì. Kết luận “sạch và đẹp” của thanh tra không chỉ bỏ lọt tham nhũng mà còn tạo cơ hội cho tham nhũng hoành hành, đục khoét tiền bạc, phá hoại của cải của nhà nước và nhân dân. Điển hình như Vinashin hoặc Vinalines, nếu như thanh tra phát hiện hành vi phạm và đề xuất các biện pháp ngăn chặn, thậm chí chuyển cơ quan điều tra ngay từ đầu, thì hậu quả không thê thảm như ngày hôm nay.

 

Chính vì lẽ đó, nên khi thanh tra mà bỏ lọt tham nhũng, thì cơ quan thanh tra phải chịu trách nhiệm về sai sót của mình. Chỉ có chịu trách nhiệm, bị xử lý từng cá nhân tham gia vào từng vụ việc cụ thể, thì mới mong có được các bản kết luận thanh tra có chất lượng.

 

Thanh tra không thể vô can khi bỏ lọt tham nhũng, đồng thời phải chịu trách nhiệm khi đưa ra kết luận sai phạm không chính xác, làm ảnh hưởng đến đơn vị bị thanh tra.

 

Để kết luận một hành vi vi phạm pháp luật hoàn toàn không dễ dàng nên không được vội vàng, cẩu thả. Để tránh oan sai, pháp luật có từng bước tố tụng, từ điều tra đến kiểm sát, thậm chí được điều tra nhiều lần. Sau đó, thông qua phiên xét xử công khai của tòa án, có tranh tụng giữa công tố và đại diện bảo vệ quyền lợi của bị cáo, hội đồng xét xử mới đưa ra kết luận cuối cùng, lúc đó bản án mới có hiệu lực pháp luật. Từ bản án này, bị cáo có quyền kháng cáo lên cấp xét xử phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm. Thế nhưng, trên thực tế, án oan sai vẫn không ít.

 

Hoạt động của cơ quan tố tụng chặt chẽ như vậy, nhưng vẫn có thể xảy ra oan sai. Từ đó có thể thấy rằng, cơ quan thanh tra cũng có thể đưa ra kết luận không chính xác, nếu như công tác thanh tra vội vàng, cẩu thả, thiếu những cán bộ có trình độ nghiệp vụ cao và có cái tâm trong sáng. Trình độ hạn chế và cái tâm không vô tư thì kết luận thanh tra sẽ méo mó, đó là nguyên nhân của bỏ lọt sai phạm hoặc kết luận sai phạm không đúng.

 

Chuyện quan trọng như vậy, trách nhiệm lớn lao như vậy, để xảy ra sai sót thì vô can sao được?

 

 
Lê Chân Nhân

 

 
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!