Bí thư Xuân Anh và lời hứa "nói sao sẽ làm như vậy"!
(Dân trí) - Hi vọng rằng ở 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, ông thẳng tay xóa bỏ “thị trường ngầm và thương mại hóa công tác tổ chức cán bộ”, nhất là "nói sao sẽ làm như vậy!” như ông hứa với thủ trưởng cũ.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Chỉ một ngày sau khi công bố điện thoại và e-mail cá nhân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã nhận được hơn 200 e-mail và rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn phản ánh của người dân…
Một thông tin đáng phấn khởi, đó là kế tiếp “một luồng gió mới” của Đại hội Đảng khóa XI với hàng loạt các Bộ trưởng trẻ, năng động thì trước Đại hội Đảng lần này cũng đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, tiếp tục báo hiệu một “luồng gió” còn “mới” hơn nữa. Đó là việc nhiều cán bộ được bầu giữ chức vụ chủ chốt ở một số địa phương tuổi mới xấp xỉ tuổi 40 mà một trong số đó là Bí thư TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Ở tuổi 39, ông Nguyễn Xuân Anh đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của một trong những thành phố lớn, trung tâm kinh tế của Miền Trung Nam bộ quả là một vinh dự. Song, cũng không khó để nhận thấy, ông đang chịu không ít áp lực mà trong đó, có lẽ là hai áp lực lớn, ông không thể không vượt qua.
Áp lực thứ nhất, ông phải xóa bằng được trong dư luận về cái gọi là “con ông cháu cha”. Không thể nói khác, đây là luồng tư tưởng có thật đang tồn tại trong dư luận xã hội. Không ít người cho rằng nếu không phải là con trai của nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi thì ông Anh khó có cơ hội này.
Muốn xóa bỏ dư luận trên, chỉ có một cách chứng minh duy nhất là ông phải khẳng định mình xứng đáng với nhiệm vụ, chức danh đó. Tất nhiên là bằng hành động chứ không phải bằng lời nói và bằng hiệu quả công việc cụ thể chứ không phải là… lời hứa.
Cái khó thứ hai lại chính là ở “hiệu quả công việc” bởi được kế thừa một thành phố như Đà Nẵng là được thừa hưởng một di sản khổng lồ nhưng làm thế nào để gìn giữ, đặc biệt là tiếp tục phát huy là điều không dễ. Sau “thành phố đáng sống” thì sẽ là thành phố như thế nào? là câu hỏi khó.
Cái tài sản to lớn mà các vị tiền nhiệm, đặc biệt là cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh, một nhân vật “huyền thoại” để lại cũng chính là cái bóng không dễ vượt qua.
Vì vậy, hiệu quả của công việc sẽ là thước đo quyết định không chỉ sự thành bại mà còn “gột rửa” những điều nghi ngại đang như những áp lực đề lên vai vị tân Bí thư Nguyễn Xuân Anh.
Rất mừng là ngay từ ngày đầu nhậm chức, Bí thư Anh đã xác định rất rõ những khó khăn mà ông sẽ vấp phải đồng thời không ngần ngại “tuyên chiến” thẳng thừng với những thoái hóa, tiêu cực, đặc biệt là nạn “chạy chức, chạy quyền”: ”Đối với công tác cán bộ, tư tưởng chủ đạo là phải đấu tranh không khoan nhượng với nạn “chạy chức, chạy quyền”, kiên quyết chống “thị trường ngầm và thương mại hóa công tác tổ chức cán bộ”. Ông Anh nói.
Về cá nhân, ông Anh cũng tự đánh giá: "Tôi đánh giá tôi trong sáng. Trong sạch hay không thì để mọi người đánh giá, nhưng tôi nghĩ tôi không dính vào bất cứ vấn đề gì tiêu cực, không bè phái, không phe cánh. Thẳng thắn, không ngại nói thẳng…".
Song, một điều đáng hi vọng là trả lời phỏng vấn Infonet ngày 15/10, bài “Ông Nguyễn Xuân Anh: "Tôi nghĩ tôi đủ trải nghiệm để hiểu về nhân dân", tân Bí thư Đà Nẵng đã “cam kết” với người lãnh đạo cũ của mình là Nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên TBT báo Thanh niên: “Anh yên tâm. Em hứa em nói sao em sẽ làm như vậy!”.
Mong rằng ở 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, ông thực hiện triệt để việc xóa bỏ “thị trường ngầm và thương mại hóa công tác tổ chức cán bộ” bởi một khi công tác tổ chức trở thành hàng hóa trong chốn “thị trường ngầm” là điều cực kỳ nguy hiểm đối với bất cứ thể chế nào.
Một lần nữa, hi vọng tân Bí thư “nói sao sẽ làm như vậy!”.
Bùi Hoàng Tám