Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói về “chiếc vòng kim cô vâng – dạ”
(Dân trí) - Chính cái “vòng kim cô vâng – dạ”, thầy nói, trò phải nghe, thầy cô luôn luôn đúng, “trứng” không được “khôn hơn rận”… đã triệt tiêu tính sáng tạo của mỗi cá nhân ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ thầy cô giáo
"Bí quyết của một quốc gia sáng tạo là mọi người phải có thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi… Thầy cô nói nhiều khi như chân lý, học trò không được chất vấn thầy cô. Chúng ta đang bị nhầm lẫn giữa sự tôn trọng và để cho các em tự do sáng tạo, chủ động, được hỏi và làm khác đi. Học trò chất vấn thầy cô còn bị xem là thiếu lễ phép".
Đó là tâm sự của GS Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai năm học 2018-2019 ngành giáo dục TP HCM diễn ra ngày 14/8.
Đây không chỉ là những lời tâm huyết của một Bí thư Thành ủy, người đứng đầu tổ chức Đảng ở một thành phố lớn nhất nước mà còn là tâm sự của một người thầy nhiều năm đứng trên bục giảng, một vị tư lệnh từng nhiều năm đứng đầu ngành giáo dục nước nhà.
Những điều ông Nhân nói là thực trạng đau xót và càng xót xa hơn, nó đã từng tồn tại và sẽ còn tồn tại không biết đến bao giờ như không biết tự bao giờ, giáo dục Việt Nam đã tự khoác cho mình “vòng kim cô vâng - dạ”.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã rất chính xác khi nói về một quốc gia sáng tạo phải là một quốc gia mà ở đó mỗi cá nhân luôn “có thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi…”.
Đặt câu hỏi “tại sao”, tìm cách trả lời câu hỏi đó và “làm khác đi” chính là bản chất của khoa học, nghệ thuật bởi khoa học, nghệ thuật chính là sự phủ nhận cái cũ, tự làm khác cái đã có, cái người khác đã làm…
Điều này muốn có được, nó cần sự rèn luyện, học hỏi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ở môi trường đó không chấp nhận lối nghĩ “thầy cô nói nhiều khi như chân lý, học trò không được chất vấn thầy cô. Chúng ta đang bị nhầm lẫn giữa sự tôn trọng và để cho các em tự do sáng tạo, chủ động, được hỏi và làm khác đi”.
Càng nguy hại hơn khi nói khác, làm khác thầy cô còn bị qui chụp vào lĩnh vực đạo đức: “Học trò chất vấn thầy cô còn bị xem là thiếu lễ phép".
Chính cái “vòng kim cô vâng – dạ”, thầy nói, trò phải nghe, thầy cô luôn luôn đúng, “trứng” không được “khôn hơn rận”… đã triệt tiêu tính sáng tạo của mỗi cá nhân ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Nó cũng chính là "mầm mống" của tư tưởng "ai cho phép chú tài hơn anh" sau này.
Để phá vỡ chiếc “vòng kim cô vâng – dạ” là điều khó, rất khó nhưng không có nghĩa là không làm được mà vấn đề nằm ở chỗ có đủ bản lĩnh và tri thức cũng như thói quen cố hữu hay không mà thôi.
Bùi Hoàng Tám