Bệnh thành tích đâu chỉ riêng ngành giáo dục
(Dân trí) - Trao đổi trên Vietnamnet về chủ đề nhìn lại nền giáo dục sau ba mươi năm đổi mới, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói: “Tỷ lệ tiên tiến cao không chỉ là bệnh thành tích của ngành giáo dục đâu. Đấy cứ nhìn vào xã hội sẽ thấy, hằng năm chúng ta có bao nhiêu lao động tiên tiến, bao nhiêu chiến sĩ thi đua, vậy sao đất nước vẫn nghèo, vẫn lạc hâu?”. Một câu nói chứa đựng vấn đề hệ trọng không chỉ đối với ngành giáo dục.
Đó là một xã hội chạy theo thành tích nhưng thiếu thực chất.
Bệnh thành tích đâu chỉ có trong ngành giáo dục và căn bệnh này trầm kha trong toàn xã hội. Có phải vì ngành giáo dục bị bệnh thành tích nên xã hội bị “lây nhiễm”? Chưa hẳn là như thế, mà có khi vì có quá nhiều ngành trong xã hội chạy theo thành tích nên giáo dục bị ảnh hưởng.
Địa phương nào, ngành nào cũng muốn có những báo cáo với những con số đẹp long lanh, thì cả một hệ thống phải chạy theo để phục vụ và đáp ứng nhu cầu đó. Nhưng thực tế cho thấy, thực chất khác xa với thành tích.
Xin đưa ra dẫn chứng cụ thể, người dân Việt Nam thu vén được ít tiền là dành cho con du học. Nếu giáo dục Việt Nam có thành tích cao như báo cáo, thì tại sao dân mình lại qua Singapore để học, chưa cần so sánh với Anh, Mỹ... Ở đây, không phải là bệnh sính ngoại, mà đa số phụ huynh tính toán, lựa chọn kỹ lưỡng. Dân Việt Nam có truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa, cho nên ưu tiên đầu tư cho việc học hành của con cái. Có thể khẳng định rằng, giáo dục Việt Nam kém xa so với các nước, cho nên người dân phải tìm môi trường giáo dục có chất lượng cao ở các nước khác.
Sự ứng xử của người dân với giáo dục là câu trả lời về chất lượng giáo dục.
Còn ngoài lĩnh vực giáo dục, như giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói, chúng ta có quá nhiều danh hiệu tiên tiến, chiến sĩ thi đua, nhưng nước thì nghèo. Thử hỏi những nước giàu có, hằng năm có hàng vạn sản phẩm trí tuệ đóng góp cho nhân loại, nhưng họ có danh hiệu chiến sĩ thi đua không, có anh hùng lao động không? Có thể văn hóa mỗi nước một khác, Việt Nam muốn xây dựng danh hiệu để động viên ý chí học tập và lao động của cộng đồng, điều này có thể cần thiết và hiệu quả, nếu như tôn trọng thực chất, không chạy theo thành tích. Có điều, chúng ta đã có làm được như thế chưa?
Trở lại chuyện giáo dục, người dân nhìn thấy bệnh thành tích, bày tỏ sự bức xúc và lên tiếng phê phán, nhưng cũng nên xem lại trách nhiệm của từng cá nhân trong việc làm nặng thêm chứng bệnh này. Phụ huynh chạy trường, chạy lớp, chạy điểm cho con. Người lớn chạy bằng cấp, mua chứng chỉ cho mình, biến nhiều cơ sở giáo dục thành chợ mua bán bằng cấp hơn là giáo dục con người và đào tạo trí thức. Lỗi này không đổ thể tất cả cho ngành giáo dục.
Để cho việc cải cách giáo dục của đất nước sớm có hiệu quả, nền giáo dục Việt Nam bắt kịp các nước tiên tiến thì không chỉ là sự cố gắng của ngành giáo dục, mà còn là sự thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!