Bệnh “ngại” khó chữa
(Dân trí) - “Nhìn lịch sử độc quyền của nhiều ngành kéo dài nửa thế kỷ, phá vỡ nó không dễ. Chúng ta có học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để phá bỏ độc quyền và hoàn toàn biết nhưng không áp dụng được. Ở một số ngành, người ta không muốn phá bỏ độc quyền, có nơi kinh nghiệm nước ngoài không thể áp dụng nổi”.
Một phát biểu rất thẳng, rất thật của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan được nêu tại Hội thảo về cải cách độc quyền Nhà nước do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 6/7.
Bà Lan dẫn chứng cụ thể về ngành đường sắt, một trong những lĩnh vực mà bà cho rằng đang rất trì trệ. Nếu như ở các nước, đường sắt có vị trí cạnh tranh rất lớn với đường bộ, hàng không, đường thuỷ thì ở ta, đường sắt “yếu kém không cải tổ, thậm chí không muốn cải tổ”.
Sự trì trệ đó chẳng những loại bỏ các nhà đầu tư tư nhân, loại bỏ những cơ hội để đưa dịch vụ này trở nên tốt hơn lên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu người dân, của hàng nghìn, hàng vạn doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hoá trên cả nước.
Đã có 3 người chết, 10 người bị thương với 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra liên tiếp chỉ trong vòng 4 ngày. Đi kèm theo đó là những thiệt hại lớn về tài sản quốc gia. Quá đau xót và cái giá phải trả cho một hệ thống đường sắt “lạc hậu bậc nhất thế giới” (theo lời đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng) là rất đắt!
Một tính toán của nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lã Ngọc Khuê, hơn 10 năm qua, đầu tư cho đường sắt luôn ở hàng đội sổ, chỉ khoảng 3% tổng mức đầu tư từ ngân sách Trung ương cho hạ tầng giao thông.
Nghĩa là, một ngành độc quyền, nhưng lại không lo được hạ tầng hiện đại và đảm bảo an toàn. Trong khi đó, bà Lan tỏ ra ngạc nhiên khi ngành này lại đang muốn xây dựng đường sắt cao tốc như Shinkansen ở Nhật Bản (trị giá 56 tỷ USD), một loại hình giao thông vốn chỉ phục vụ cho giới nhà giàu.
Ngoài hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư thì chúng ta còn 19 ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nữa thuộc độc quyền Nhà nước, trong đó, một số ngành nghề vẫn đang gây tranh cãi về việc liệu có cần thiết phải duy trì độc quyền hay không khi mà chúng ta đang phấn đấu để được công nhận là “kinh tế thị trường”.
Một ý kiến khác cũng được nêu ra tại hội thảo này mà người viết dám chắc rằng sẽ nhận được sự tán thành của nhiều người, đó là nhận xét của ông Nguyễn Đình Cung, thành viên thuộc Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:
“30 năm đổi mới đã qua đi, chúng ta vẫn mãi nói đến nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tôi cho rằng, cách nói “đang chuyển đổi” này chỉ biện minh cho sự yếu kém của mình, cho việc trì hoãn thực hiện hoặc cố tình không muốn thực hiện”.
Sự trì hoãn hay cố tình không muốn thực hiện đó thể hiện rõ rệt ngay cả khi Chính phủ đã yêu cầu một số tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước lớn phải cổ phần hoá. Và Bộ Tài chính thì chẳng có báo cáo nào mà không phải thêm vào nhận xét “tiến độ còn chậm chạp”...
Tóm lại là tư tưởng lợi ích nhóm vẫn chi phối rất lớn. Việc chống lợi ích nhóm, xoá bỏ sân sau dù đã được nhấn mạnh tại Nghị quyết Trung ương 5, thế nhưng, người viết cho rằng, để bứt ra khỏi tình trạng trì trệ như hiện nay, thì trên thực tiễn buộc phải chịu đau, phải cắt bỏ ung nhọt, mà cụ thể là những “con sâu” trong bộ máy.
Đồng thời về thể chế kinh tế, phải minh bạch, rõ ràng. Cái gì Nhà nước không cần nắm giữ thì phải dứt khoát buông bỏ (chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương), để ngân sách không còn là chỗ bấu víu, kiếm chác của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức “cắp ô” đang chỉ muốn hưởng thụ, “ngồi mát ăn bát vàng”.
Bích Diệp