Bảo vệ vốn quý của đất nước trong đại dịch Covid-19

Hoàng Lam

(Dân trí) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức"…

Bảo vệ vốn quý của đất nước trong đại dịch Covid-19 - 1

Cụ Nguyễn Thị Bợ (89 tuổi, phường Phước Long A) được PGĐ bệnh viện Lê Văn Thịnh dìu vào khu lấy mẫu xét nghiệm.

Trong buổi gặp mặt đoàn người cao tuổi tiêu biểu vào ngày 28/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là trụ cột của gia đình và xã hội Việt Nam.

Cùng với sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, xã hội, người cao tuổi đang được bảo vệ khi được đưa vào nhóm ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Hiện cả nước có gần 11,5 triệu người cao tuổi. Dù tuổi cao nhưng lực lượng này luôn có nhiều đóng góp tích cực trong bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước, gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, với tinh thần "tuổi cao, chí càng cao", người cao tuổi trên cả nước tham gia tích cực các hoạt động trong công tác phòng, chống dịch từ cơ sở; quyên góp hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng... Nhiều cụ già, đặc biệt là cựu chiến binh có mặt trên tuyến đầu chống dịch, trở thành niềm cổ vũ, động viên to lớn để cùng cả nước chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm này.

Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch Covid-19. Hiện chưa có thống kê cụ thể về số người cao tuổi - nhóm người được xếp vào nhóm có nguy cơ cao với nhiều bệnh nền, khả năng miễn dịch kém bị mắc Covid-19 và tử vong vì dịch bệnh.

Không chỉ có nhiều khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2, nguy cơ diễn tiến bệnh nặng, người cao tuổi cũng phải đối mặt với nhiều tổn thương tâm lý do đại dịch khi buộc phải cách ly, phải gánh chịu sự tàn phá của bệnh tật khi không thể có người thân ở bên cạnh.

Mặc dù nhận được sự quan tâm, chăm sóc, điều trị tích cực từ đội ngũ y bác sỹ, tuy nhiên, ổn định tâm lý trong và sau điều trị đối với bệnh nhân Covid-19 là người cao tuổi là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi phải có sự chung tay của ngành y tế, gia đình và xã hội.

Cùng với đó, sẽ có không ít người già trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa khi mất người thân do dịch Covid-19, đặt ra bài toán về chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi trong thời gian tới mà chính quyền các địa phương và Ngành lao động, thương binh và xã hội phải giải quyết.

Vấn đề việc làm và thu nhập của một bộ phận đối tượng này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19, gia tăng nguy cơ người cao tuổi rơi vào nghèo, tái nghèo, khó khăn.  

Để giảm thiểu xuống mức thấp nhất tác động của dịch Covid-19 đến người cao tuổi, trung tuần tháng 8 vừa qua, trong công điện khẩn gửi các ngành, các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng ưu tiên, trong đó có người cao tuổi.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có chính sách đưa những người cao tuổi đang làm việc, lao động hàng ngày vào nhóm đối tượng yếu thế và hỗ trợ đảm bảo cuộc sống. Bà Chuyền cho rằng các thành viên gia đình cần tăng cường quan tâm thăm hỏi, động viên, chăm sóc để người cao tuổi tránh bị cô lập và sợ hãi trong đại dịch.

Với truyền thống kính trọng người già, công tác chăm sóc, bảo vệ, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất, sức khỏe của người cao tuổi trong thời gian qua được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các ban, ngành, chính quyền địa phương và gia đình. Nhiệm vụ này đang đặt trước nhiều thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Bởi vậy, bảo vệ vốn quý của dân tộc luôn phải xác định là việc làm thường xuyên, liên tục của từng gia đình, từng địa phương và cả cộng đồng xã hội.