Bảo vệ thành trì kinh tế trong dịch bệnh
(Dân trí) - Tin rằng, với tâm thế từ "phòng, chống dịch" sang "tấn công dịch", một lần nữa, chúng ta sẽ thành công, bảo vệ người dân an toàn và tiếp tục tạo được các thành tựu về kinh tế....
Theo số liệu của Cục đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2021 là 29.300 doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số rút lui khỏi thị trường là 40.323 doanh nghiệp, còn lớn hơn số mới được thành lập.
Những con số này phần nào cho thấy sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp phải trải qua đầu năm nay dù chúng ta đã kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh Covid-19.
Đáng lo ngại là theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, lần đầu tiên trong một thập kỷ gần đây có hiện tượng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp tham gia thị trường.
Rõ ràng, Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến môi trường kinh doanh và có sức đào thải lớn. Một chủ doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng, nếu như không có nguồn vốn "khỏe" thì doanh nghiệp rất khó trụ lại được với thị trường.
Lượng đơn hàng giảm rõ rệt, cơ hội làm ăn thu hẹp, trong khi đó, gánh nặng chi phí mặt bằng, nguyên liệu đầu vào thậm chí còn tăng, đặc biệt là với những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn, doanh nghiệp xây dựng, hàng không, xuất nhập khẩu…
Khi doanh nghiệp kinh doanh thất bát, thua lỗ, áp lực không chỉ dồn vào chủ doanh nghiệp, giảm thu ngân sách mà người lao động cũng đối mặt với thu nhập bấp bênh, lương "tháng có, tháng không", nhiều người mất việc, không kiếm nổi việc làm.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,1 triệu người trong 3 tháng đầu năm nay, tăng 12.100 người so với cùng kỳ năm trước - theo Tổng cục Thống kê. Còn theo kết quả từ báo cáo về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam của Ngân hàng Thế giới và VCCI công bố tháng 3/2021, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc ít nhiều.
Những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội cũng từ đây mà ra. Một khi cánh cửa cơ hội kinh doanh chân chính trở nên hẹp hơn, người ta bắt đầu tìm đến các con đường bất chính và cả phi pháp, từ buôn lậu, cờ bạc đến tín dụng đen…
Bởi vậy, việc duy trì một môi trường kinh doanh lành mạnh, việc "cấp cứu" cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra ngày một phức tạp và khó lường hơn trước là điều bức thiết hiện nay.
Điều này cũng đã được lãnh đạo Chính phủ lưu ý tại phiên họp thường kỳ vừa diễn ra. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu yêu cầu: Cần tích cực tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp.
Chỉ đạo này có tính phổ quát và bao hàm nhiều nhiệm vụ cụ thể, song mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng trọng tâm của sự hỗ trợ đến doanh nghiệp, người dân.
Do đó, thiết nghĩ các ngành các cấp cần đưa ra những phương án kịp thời để ứng phó với dịch bệnh, để trong mọi tình huống vẫn giữ thế "chủ động", không doanh nghiệp nào, không người dân nào bị bỏ lại phía sau. Có thể đó là các gói hỗ trợ tài khóa, các nguồn tín dụng giá rẻ, các chính sách miễn, hoãn, giãn thuế… - đều là những phương án không mới, song cần quyết liệt và nhanh chóng.
Sau cánh cửa mỗi doanh nghiệp là hàng nghìn người lao động. Và sau mỗi người lao động, có thể là cuộc sống của cả một gia đình!
Tin rằng, với tâm thế từ "phòng, chống dịch" sang "tấn công dịch", một lần nữa, chúng ta sẽ thành công, bảo vệ người dân an toàn và tiếp tục tạo được các thành tựu về kinh tế trong một giai đoạn mới nhiều thử thách hơn.
Bích Diệp