Bảo vệ môi trường: Phạt thật nặng có ngăn được vi phạm?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức xử phạt cao nhất cho một hành vi vi phạm lên tới một tỷ đồng.

Bảo vệ môi trường: Phạt thật nặng có ngăn được vi phạm? - 1

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Dự thảo được xây dựng theo hướng đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có hành vi sẽ bị xử phạt hành chính lên tới một tỷ đồng. Bên cạnh gắn trách nhiệm khắc phục hậu quả của các doanh nghiệp vi phạm, dự thảo Nghị định cũng quy định biện pháp xử lý mạnh tay như đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép môi trường nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc kéo dài.

Nghị định được xây dựng dựa trên các quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật; đồng thời cập nhật các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới, tình hình mới.

Theo Bộ TN&MT, các quy định đưa ra trong dự thảo Nghị định có tính răn đe các hành vi vi phạm; tăng cường việc hậu kiểm. Việc xử lý các hành vi vi phạm dựa trên nguyên tắc vi phạm càng lớn, mức xử phạt càng cao.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, năm 2019 cơ quan này xử phạt vi phạm hành chính 180 cơ sở/464 cơ sở được thanh kiểm tra, số tiền trên 52 tỷ đồng. Năm 2020, có 43 cơ sở/173 cơ sở được thanh kiểm tra bị xử phạt số tiền hơn 11,6 tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, các Bộ khác đã thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tổng số tiền 1.129 tỷ đồng. Ở địa phương, năm 2020 đã xử phạt vi phạm hành chính 3.232 vụ, với tổng số tiền xử phạt trên 131 tỷ đồng.

Số vụ vi phạm quy định về bảo vệ môi trường được phát hiện và xử phạt có giảm hàng năm nhưng đây vẫn là một lĩnh vực nóng, xảy ra ở nhiều địa phương, có những vụ việc kéo dài gây bức xúc dư luận.

Việc điều chỉnh theo hướng tăng nặng mức xử phạt hành chính và tăng các hình phạt bổ sung bên cạnh thêm chế tài xử lý còn có tác dụng răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc xử phạt khi có vi phạm như "bắt chạch đằng đuôi", bởi, hậu quả đối với môi trường sinh thái đã xảy ra, cần nhiều kinh phí, thời gian để khắc phục và khó khắc phục được triệt để.

Không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, đó là quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn là một trong những nguy cơ, thách thức không chỉ của nước ta trong quá trình phát triển. Thực tế, không ít địa phương cho doanh nghiệp "nợ" các tiêu chí về bảo vệ môi trường để kịp tiến độ, kế hoạch vận hành sản xuất. Thậm chí, có khu công nghiệp, nhà máy… đi vào hoạt động một thời gian rồi mới hoàn thiện hệ thống xử lý thải.

Việc tăng nặng biện pháp xử phạt hành chính và cả hình sự đối với các vi phạm trong lĩnh vực môi trường là hết sức cần thiết để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các quy tắc bảo vệ môi trường. Khi dự thảo nghị quyết được thông qua, như "thanh gươm được tuốt khỏi vỏ", các quy định này phải được thực thi một cách quyết liệt, triệt để, không để xảy ra tình trạng nể nang, né tránh, bao che cho những vi phạm của doanh nghiệp.

Thay vì phạt và cấm, về lâu dài, cần phải ngăn chặn mọi hành vi gây nguy hại tới môi trường. Nếu doanh nghiệp chưa hoàn thiện hệ thống xử lý thải và cam kết thực hiện trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường, nhất quyết chưa cho đi vào hoạt động.