Bao giờ người dân không còn nói câu: "Thanh tra, thanh mẹ, thanh dì..."?

(Dân trí) - Sự việc nhóm thanh tra của Bộ Xây dựng đi thanh tra tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, có 3 người bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ tuần qua vẫn làm dậy sóng dư luận.

Bao giờ người dân không còn nói câu: Thanh tra, thanh mẹ, thanh dì...? - 1

Lâu nay, có một hiện tượng, cứ mỗi khi có người của ngành thanh tra có sai phạm, bị xử lý nhất là khi có các hành vi không liêm chính như nhận hối lộ, vòi tiền... thì trên báo chí, mạng xã hội, nhiều người dân lại dẫn câu: "Thanh tra, thanh mẹ, thanh dì/Hễ có phong bì thì lại thank you (cảm ơn)", như là một câu tổng kết, truyền miệng.

Tất nhiên, là câu đó không đúng cho mọi trường hợp. Vì trên thực tế, ngành thanh tra đã có những đóng góp không nhỏ trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định pháp luật của nhà nước; nhiều cán bộ, thanh tra viên làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Không phải thế thì làm sao hàng năm, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, các địa phương qua thanh tra hàng ngàn cuộc và thu hồi về ngân sách hàng trăm ngàn tỷ đồng do thu, chi sai ngân sách nhà nước: Do tham nhũng, tiêu cực; kê khống, gian lận, chi sai mục đích...; thu lại hàng chục ngàn ha đất, ngoại tệ... do sử dụng, mua bán sai tài sản công?

Theo số liệu được công bố thì trong 10 năm qua, toàn ngành thanh tra đã tiến hành gần 93.700 cuộc thanh tra, kiến nghị thu hồi 146.160 tỷ đồng, 993.978 USD và 51.515 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 752 vụ. Đó là con số rất ấn tượng.

Nhưng dù ta vẫn hay nói "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng phương ngữ trong dân không phải không có tính thực tế của nó. "Những con sâu" ấy có vẻ đang đông dần lên và làm hỏng những "nồi canh". Từ vụ ông Lương Cao Khải, nguyên Phó Vụ trưởng của Thanh tra Chính phủ và một số cán bộ khác của cơ quan này  đã bị truy tố, kết án tù vì tham nhũng khi đi thanh tra một dự án của ngành dầu khí trước đây, cho đến vụ các cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng bị bắt quả tang, khởi tố vì nhận hối lộ vừa rồi, cũng đã xảy ra nhiều vụ việc khác, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành thanh tra.

Trả lời báo chí trước đây, ông Quách Lê Thanh, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ cũng từng nói:  Tôi biết hết những thủ đoạn mua bán, mặc cả khi thanh tra, họp ra kết luận thanh tra với đối tượng, thậm chí cả những tín hiệu: Khi họp với đoàn thanh tra, giơ 1 bàn tay lên mà nói "tôi đồng ý", nghĩa là 5000 USD, nhưng một ông khác xòe cả 2 bàn tay lên xua xua "không đồng ý", nghĩa là nói cho đối tượng hiểu phải 10.000 USD mới làm nhẹ các sai phạm đã được làm rõ trong quá trình thanh tra.

Tất nhiên là những lời ông Quách Lê Thanh nói cũng rất khó kiểm chứng trên thực tế, nhưng là người đứng đầu ngành thanh tra, ở thời điểm cách đây đã nhiều năm, cũng không khỏi khiến nhiều người bất ngờ, hoài nghi. Nhưng thực tế diễn ra ở nhiều đoàn thanh tra của nhiều cấp, ngành với các tổ chức, doanh nghiệp chỉ có những người của các đơn vị, doanh nghiệp bị thanh tra mới hiểu.

Và cái câu: "Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì..." cho dù nhiều người sẽ không thích nghe, nhưng nó vẫn cứ tồn tại trong nhân dân như một lời nhắc với những người lãnh đạo các cấp thanh tra phải sâu sát, có giải pháp thanh lọc đội ngũ, quản lý chặt chẽ với từng đoàn thanh tra, từng cán bộ, thanh tra viên để không xảy ra những vụ vòi tiền, đòi hỏi "chung chi", bồi dưỡng... trắng trợn như vụ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng vừa qua và cả những vụ gây sức ép, vòi tiền hối lộ tinh vi, đầy thủ đoạn khác.

Mạnh Quân