Bao giờ hết cảnh "rau 2 luống, lợn 2 chuồng", hàng lỗi tiêu thụ trong nước?
(Dân trí) - Thiệt hại, tổn thất của người trồng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, ở một khía cạnh khác, lại là cơ hội của người tiêu dùng nội địa, đặc biệt là với người dân có thu nhập trung bình.
Gần một tháng nay, quả mít Thái xuất khẩu được bán la liệt ở các ngả đường nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc với giá "giải cứu". Ở "quê hương" của mít Thái như Tiền Giang, Bến Tre... giá chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg.
Các mặt hàng nông sản khác như thanh long, dưa hấu, khoai lang... cũng đã và đang chịu cảnh tương tự. Thực tế này không phải đến khi dịch Covid-19 bùng phát mới xảy ra mà nhiều năm qua, chúng ta liên tục hô hào "giải cứu" nông sản do gặp khó ở thị trường xuất khẩu.
Trên thực tế, nếu không có tình trạng ùn ứ ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, người dân trong nước ít có cơ hội được mua nông sản xuất khẩu với giá rẻ bất ngờ. Thiệt hại, tổn thất của người trồng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, ở một khía cạnh khác, lại là cơ hội của người tiêu dùng nội địa, đặc biệt là với người dân có thu nhập trung bình, thấp.
Xuất khẩu nông sản mang lại nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp, các địa phương và đây tiếp tục được xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế của nhiều tỉnh thành, của ngành nông nghiệp. Tất nhiên, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thì chi phí sản xuất, bảo quản, chế biến cũng không hề nhỏ.
Bởi vậy, nếu chỉ phụ thuộc vào thị trường ngoài nước, khi có sự cố xảy ra, hàng hóa không thể xuất đi, thiệt hại của doanh nghiệp cũng vô cùng lớn, người nông dân lao đao. Theo tính toán của ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thiệt hại trong đợt ùn ứ vừa qua tại cửa khẩu xuất hàng đi Trung Quốc có thể lên đến vài nghìn tỷ đồng, bao gồm giá trị hàng hóa, chi phí vận chuyển, bảo quản...
Đời sống được nâng lên, nhu cầu tiêu thụ nông sản chất lượng của người dân cũng cao hơn. Người dân sẵn sàng bỏ tiền ra để mua hoa quả, thịt bò, hải sản... nhập khẩu với giá không hề rẻ. Trong khi đó, tin chắc rằng, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không hề thua kém về chất lượng và các tiêu chí an toàn sức khỏe. Điều đó không chỉ vì nguồn cung hàng hóa mà còn là vấn đề tâm lý và niềm tin về sản phẩm tiêu dùng trong nước.
Tại cuộc tọa đàm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản tại thị trường nội địa diễn ra vào ngày 7/1, nhiều đại biểu cho rằng dường như các doanh nghiệp đang "bỏ quên", "xem nhẹ" thị trường nội địa mặc dù nước ta có hơn 100 triệu dân và là một trong 5 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nguyên nhân là các doanh nghiệp thích ngoại tệ, thích cùng một lúc xuất khẩu vài trăm container hơn là bán lẻ trong nước. Ở thời kỳ trước, chúng ta dùng hàng tốt xuất khẩu để lấy ngoại tệ, sản phẩm lỗi bán trong nước, tạo ra suy nghĩ là "hàng kém chất lượng thì bán trong nước" đã vô tình đem lại định kiến đối với hàng hóa cung ứng cho thị trường nội địa.
Song song với mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng chất lượng đáp ứng những thị trường khó tính thì chú trọng thị trường trong nước là hướng đi mà các doanh nghiệp nông sản cần tính đến. Tuy nhiên chuyển hướng vào thị trường nội địa hiện đang là thách thức của các doanh nghiệp trong khi đây được xác định là nhiều tiềm năng, đa dạng khách hàng với nhiều phân khúc khác nhau.
Để phù hợp với túi tiền của đại đa số bộ phận nhân dân nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí chất lượng như hàng xuất khẩu là một bài toán khó. Nếu không có những chính sách phù hợp để cắt giảm chi phí sản xuất cũng như hình thành những kênh phân phối, thì không chỉ khó đối với doanh nghiệp mà sẽ khó với khả năng tiếp cận hàng hóa của chính người dân.
Thay đổi tư duy và thói quen tiêu dùng của người dân, chấm dứt tình trạng "rau 2 luống, lợn 2 chuồng" trong sản xuất nông sản, xóa bỏ định kiến hàng tốt xuất khẩu, hàng lỗi, hàng tồn tiêu thụ trong nước, hướng tới thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân... không chỉ tránh nông sản Việt thua ngay trên sân nhà mà qua đó, giải quyết tình trạng "giải cứu", ùn ứ nông sản cứ đến hẹn lại lên như những năm qua.