Bán máu, bán thân, bán thận vì nghèo!

(Dân trí) - Một gia đình nghèo có 5 người đi bán thận để lấy tiền như một kế sinh nhai. Nhiều người như thế, rộ lên phong trào bán thận ở Cần Thơ và một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 

(Minh họa: Ngọc Diệp) 

 

 

Có những trường hợp vì nợ nần chồng chất, không có cách gì giải quyết, nên phải đi bán thận. Trung bình bán một quả thận được 120 triệu đồng, đối với người nghèo thì đó là số tiền rất lớn. Nhiều người cho rằng, số tiền đó có thể đổi đời, nên sẵn sàng bán thận.

 

Bán đi một phần sự sống để duy trì sự sống, một thực tế đau lòng và rất đáng để suy nghĩ.

 

Phần lớn người bán thận là người ít học, nên họ không biết được những hậu quả sau khi mất đi một quả thận. Họ sẽ phải đối diện với nhiều bệnh tật, mà số tiền họ bán quả thận đó sẽ không đủ để chi phí cho việc điều trị các căn bệnh về sau.

 

Người bán thận vì nghèo, vì thiếu hiểu biết, vì lười lao động nhưng muốn có tiền, đúng cả, nhưng có một nguyên nhân khác rất đáng được chính quyền lưu tâm. Đó là có những đường dây cò mồi, đến tận từng gia đình, dụ dỗ người dân đi bán thận. Mỗi một trường hợp  bán thận thành công, bọn cò mồi được hưởng hoa hồng rất cao. Cho nên, họ dùng lời lẽ ngon ngọt để câu con mồi. Một số người ở Nông trường Cờ Đỏ - Cần Thơ thừa nhận đã đi bán thận do bị cò mồi thuyết phục.

 

Nếu không có bọn cò mồi đó, chưa chắc những người nông dân lương thiện kia đã đi bán thận. Chính quyền các địa phương phải có biện pháp ngăn chặn những băng cò mồi bán thận đang hoạt động trên địa bàn.

 

Ở Trà Vinh, từng có tình trạng người dân rủ nhau đi bán máu, đến nỗi hình thành một tên gọi là “làng bán máu”. Nhiều gia đình cả vợ chồng, con cái đều đi bán máu để lấy tiền sinh sống. Vì bán máu quá nhiều nên sức khỏe kiệt quệ, có nhiều người còn trẻ đã đau yếu, thậm chí chết non. Chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền người dân tập trung lao động để sinh sống, bỏ đi tập quán bán máu, nhưng nhiều năm vẫn không dẹp được tệ nạn này.

 

Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có những làng phụ nữ đua nhau đi lấy chồng Đài Loan. Qua cò mồi dắt mối, họ lên Sài Gòn để người ngoại quốc xem mặt, khám xét. Người nào lọt vào mắt xanh của đàn ông ngoại quốc thì làm hôn lễ, kiếm một ít cho cha mẹ, cò ăn hết gần một nửa. Họ xuất giá theo chồng trong khi bất đồng ngôn ngữ. Họ nhắm mắt lấy chồng ngoại quốc mà chẳng cần biết chồng già hay trẻ, què quặt hay lành lặn. Họ cứ nghĩ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc là cách để thay đổi cuộc đời cho chính họ và cũng là cách để giúp đỡ gia đình. Nhiều người vỡ mộng, không ít cô dâu Việt bị chồng đánh chết trên đất khách, nhưng phong trào lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc vẫn không hề bị “dập tắt”.

 

Dân mình còn có nhiều người nghèo, phải bán máu, bán thân, bán thận để duy trì sự sống thì chúng ta còn có quá nhiều việc để làm. Các địa phương không nên nói về thành tựu quá nhiều mà hãy tự kiểm điểm một cách nghiêm túc với dân, với nước.

 

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!