Bài toán tăng lương qua một góc nhìn…
(Dân trí) - Người dân không muốn và nói thẳng là không cần ai đó phải làm không công. Song, công sức phải xứng với hưởng thụ và ngược lại chứ không chỉ có hưởng thụ mà không muốn làm càng không muốn phải còng lưng nuôi người “cai trị” kiểu “hành dân là chính”, phải không các bạn?
Tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức là điều không thể không làm bởi thực tế, phương pháp tính lương của ta hiện nay không chỉ lỗi thời mà còn kìm nén sự phát triển đồng thời nhiều khi là “động lực” cho tham nhũng.
Thế nhưng, tăng lương thì tiền ở đâu trong khi “miếng bánh ngân sách” vốn không lớn lao gì nhưng vẫn đang bị “xâu xé” như hiện nay?
Rồi với đội ngũ công chức, viên chức hùng hậu, lên tới hàng triệu người, chỉ cần tăng mỗi người 10.000 đồng/tháng thôi đã mất hàng chục tỉ đồng. Đó là chưa kể hơn 10 triệu đối tượng các loại đang thụ hưởng từ ngân sách.
Đây là bài toán khó, rất khó. Song không thể nói là không có lời giải.
Trước hết, phải nói thẳng rằng đời sống của cán bộ, viên chức hiện nay so với mặt bằng chung là không nghèo, thậm chí không ít người từ giàu đến rất giàu.
Tiếng rằng lương tháng vài ba triệu, song để “chạy” vào một suất viên chức thì cái giá trăm triệu của ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội nói năm nào giờ chắc đã lỗi thời lắm rồi.
Tóm lại, nhìn từ tổng thể xã hội thì số tiền thu nhập của tổng thể công chức, viên chức không phải ít như ta vẫn tưởng. Có điều, nó đến từ nhiều “ngả” khác nhau, cả chính đáng, không chính đáng và đều từ một cái “gốc”, đó là túi của dân.
Xin ví dụ nhỏ như vụ thu tiền làm “luật” tại Hải quan Hải Phòng vừa qua chẳng hạn. Trong khi Nhà nước qui định mức phí 20 ngàn đồng/hồ sơ, doanh nghiệp phải nộp gấp 10 lần-200 ngàn đồng. Trong khi đó, 20 ngàn đồng là để nhà nước làm nhiều việc khác, trong đó có cả trả lương cho cán bộ Hải quan nhưng 180 ngàn còn lại thì họ chi cho họ.
Về tổng thể, doanh nghiệp phải chi trả là 200 ngàn đồng và tất nhiên, họ lại bổ vào giá thành để rồi cuối cùng, người tiêu dùng (tức là dân) chịu tất.
Đó là chưa kể những vụ tham nhũng, thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng.
Vì thế, có thể nói muốn tăng lương thì việc đầu tiên là phải chống tham nhũng.
Việc thứ hai, đó là chống lãng phí. Phải kiểm soát chặt chẽ các dự án, kiên quyết không để xảy ra tình trạng công trình trăm tỉ, ngàn tỉ đồng làm xong đắp chiếu, càng để càng lỗ như nhiều dự án thời gian vừa qua. Hạn chế tối đa việc xây dựng tượng đài và những công trình không sinh lời về kinh tế.
Việc thứ ba, đó là tinh giản tối đa bộ máy mà trước hết, là đội ngũ “30% có cũng được mà không cũng được”. Kiên quyết và khẩn trương thực hiện sáp nhập các cơ quan như đề xuất của Ban Tổ chức Trung ương mới đây và sáp nhập các cơ quan quản lý Nhà nước như đề xuất của Bộ Nội vụ vừa qua.
Hạn chế tối đa các khoản chi cho các tổ chức hội, tiến tới để các hội nghề nghiệp tự chủ hoàn toàn về kinh tế.
Thứ tư, nâng cao chất lượng phục vụ, kiên quyết đưa những cán bộ, công chức yếu kém ra khỏi bộ máy. Lương cao, làm việc phải tử tế, không có chuyện ngồi đó mà hành dân.
Tăng lương là cần thiết. Người dân không muốn và nói thẳng là không cần ai đó phải làm không công. Song, công sức phải xứng với hưởng thụ và ngược lại chứ không chỉ có hưởng thụ mà không muốn làm càng không muốn phải còng lưng nuôi người “cai trị” kiểu “hành dân là chính”, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám