Bài toán “đau đầu” từ chiếc khẩu trang, quả dưa hấu
(Dân trí) - Chúng ta luôn nói đến quyết tâm không bị lệ thuộc vào một thị trường dù bất kỳ ai nhưng ở vào thời điểm cụ thể này mới thấy rằng, sự chủ động, đa dạng hoá có tác dụng phân bổ rủi ro vô cùng lớn.
Câu chuyện về chiếc khẩu trang những ngày gần đây “nóng” trên các mặt báo. Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế cũng đang vận hành hết công suất để kịp đưa hàng hoá ra thị trường nhằm đảm bảo kịp thời nhu cầu của người dân.
Thế nhưng, để làm ra một chiếc khẩu trang y tế nhỏ bé với 4 lớp gồm giấy kháng khuẩn, vải không dệt, quai đeo co giãn và bó mũi thì nguyên liệu sản xuất hầu hết vẫn phải nhập từ Trung Quốc.
Một doanh nghiệp ở Bắc Ninh với sản lượng 150 nghìn - 200 nghìn chiếc khẩu trang/ngày cung ứng cho các nhà thuốc nhằm bình ổn giá, mức giá bán từ 500 đồng đến 1.000 đồng đã phải thừa nhận về nỗi lo thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Trước đây, nguyên liệu đều nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ở thời điểm hiện nay không thể nhập được hàng do nhu cầu bên Trung Quốc còn lớn hơn nhiều lần so với ở ta. Do đó, với công suất hiện tại, số nguyên liệu còn lại trong kho của doanh nghiệp này chỉ đủ để duy trì sản xuất hơn 1 tháng nữa.
Điều này dẫn đến một thế khó cho không chỉ thị trường mà cả với cơ quan quản lý nhà nước. Nghĩa là trong thời gian tới, nếu dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, nhu cầu khẩu trang vẫn tăng mạnh thì dù có sẵn sàng trả với mức giá cao, người dân cũng không có nguồn mua.
Do vậy, bài toán khó nhất hiện nay không hẳn là bình ổn được giá cả bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải tìm được nguồn nguyên liệu thay thế để đảm bảo nguồn cung. Khi cung ứng đủ, ắt giá cũng sẽ “mềm” theo quy luật thị trường.
Chiếc khẩu trang là ví dụ dễ thấy phản ánh rõ nét mối quan hệ mật thiết giữa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Trung Quốc.
Số liệu mà người viết nắm được từ Tổng cục Hải quan thấy rằng, trong năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn (38,7%).
Bởi vậy, những ngành coi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn như nông sản, thuỷ sản… đương nhiên là sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Cảnh dưa hấu chất đống bán trên vỉa hè Hà Nội chờ “giải cứu”, thanh long ùn ứ ở cửa khẩu là một ví dụ cho sự đình đốn hàng hoá vì biên mậu bị siết chặt.
Song, điều nghịch lý và lo ngại nhất là những mặt hàng sản xuất của ta cũng lại phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như điện thoại và linh kiện điện tử, máy vi tính, sản phẩm điện tử, dệt may, da giày….
Ngoài ra, việc thiếu nguyên liệu đầu vào cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động trong khu vực công nghiệp, xây dựng trong nước.
Thế mới thấy, lâu nay chúng ta luôn nói đến quyết tâm không bị lệ thuộc vào một thị trường, nhưng ở vào thời điểm cụ thể này mới thấy rằng, sự chủ động, đa dạng hoá có tác dụng phân bổ rủi ro vô cùng lớn.
Dù không thể phủ nhận việc ở cạnh một thị trường quá rộng lớn và một “công xưởng lớn” của thế giới như Trung Quốc là lợi thế của chúng ta, song, khi có biến động, tình huống bất thường xảy ra (mà dịch virus corona là một trong số đó) thì phần nào đó sẽ khiến chúng bị động. Thiệt hại đầu tiên chính là doanh nghiệp, nhà sản xuất.
Có thể nói, điều kiện hiện tại là phép thử với sức chịu đựng của doanh nghiệp và nền kinh tế, cũng như khả năng xoay xở để sống sót của doanh nghiệp. Còn về phía các cơ quan chức năng, công tác quy hoạch, định hướng và hỗ trợ cần thiết thực nhằm đem lại hiệu quả hơn nữa, chứ không chỉ nằm ở định hướng và chủ trương.
Bích Diệp