Bài học tử tế từ “những người thầy không giảng dạy”
(Dân trí) - “Hoàn cảnh hết sức khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi 4 con ăn học, hiện làm nghề thu, nhặt ve chai kiếm sống qua ngày”.
Đó là những dòng mô tả ngắn gọn của phóng viên Tiến Hiệp về chị Dương Thị Hương (sinh năm 1964, tổ dân phố 3, P.Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) - người phụ nữ với hành động đẹp “nhờ công an trả lại 15 triệu đồng cho người đánh rơi”.
Nhưng chỉ từng ấy cũng đủ thấy được một nhân cách đáng trọng, một cách sống đáng để ngưỡng mộ và một tấm gương đáng học hỏi từ con người rất đỗi đời thường, bình dị.
Mười lăm triệu đồng, với những người lao động nghèo như chị Hương là cả một gia tài, có thể phải mất cả năm trời tích cóp mới có được. Xấp tiền với giá trị lớn ấy rơi bên vệ đường và may sao, chị Hương nhặt được. Chị không chọn cách ích kỷ giữ lại số tiền đó cho riêng mình như lý lẽ bao biện “lộc ai người ấy hưởng” mà quyết định giao nộp cho công an để tìm người mất để trả lại.
Đó là một hành động giàu lòng tự trọng và cũng là điều cần làm, đáng làm. Bởi số tiền đó, dù “tự tìm đến” nhưng không do chị làm ra, không phải là kết quả công sức lao động của chị. Và bởi, phải một nắng hai sương nên hẳn chị cũng hiểu được giá trị của đồng tiền mồ hôi nước mắt quý giá nhường nào.
Tôi tin, chị đã làm điều đó không nhằm được tuyên dương, được ca ngợi, mà bởi sự thúc đẩy của lương tâm, của tính thiện. Những người như chị Hương, thật đáng mừng sao, đã xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống (ít nhất là qua phản ánh trên báo chí).
Tháng 10/2018, báo Dân trí đưa tin ông Nguyễn Văn Hiếu (ở Hoà Thạnh, Tam Bình, Vĩnh Long) khi nhặt được cọc tiền 10 triệu đồng cũng đã chọn phương án nộp công an sau khi cố gắng phóng xe máy đuổi theo trả lại người đánh rơi không thành.
Cùng thời gian đó, tại TP Long Xuyên, An Giang, anh Ngô Liên Tấn nhặt được cọc tiền 50 triệu đồng do người khác đánh rơi khi dừng đèn đỏ, sau đó, anh cũng đến công an phương Mỹ Long để trình báo.
Tháng 4/2019, báo Lao Động cho biết, anh Mai Minh Thành (Quế An, Quế Sơn, Quảng Nam) trên đường đi làm về đã nhặt được túi xách trong đó chứa hơn 31 triệu đồng tiền mặt; hơn 700 USD, một chiếc điện thoại nhãn hiệu Samsung và nhiều giấy tờ. Anh Thành quyết định đăng tải thông tin lên mạng xã hội và nhanh chóng tìm được chủ nhân.
Và mới đây, ngày 14/5/2019, theo thông tin trên tờ Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Ngọc Hiền (Q. Bình Thạnh, TPHCM) - một nhân viên vệ sinh, trong lúc gom rác đã nhặt được một xấp tiền với tổng trị giá 7.400 USD. Anh Hiền đã liên hệ ban quản lý chung cư để tìm trả lại cho người mất là ông Artern, một người Ukraine.
Những người tốt với những hành động tử tế nói trên đều được cho biết là “có hoàn cảnh khó khăn”, thậm chí như anh Hiền vốn là một người “được ăn học ít”, thế nhưng, cách ứng xử của họ lại khiến không ít người tưởng là “có học” phải thấy hổ thẹn.
Họ là những bằng chứng “bằng xương bằng thịt”, rất thực tế và đầy sống động về truyền thống “đói cho sạch, rách cho thơm”, nhắc nhở chúng ta bài học đạo đức căn bản nhất: “trung thực” và “ngay thẳng” mà nhiều người, vì nhiều nguyên nhân khách quan hay chủ quan, đã quên mất.
Mỗi một ngày, chỉ cần bớt đi những chuyện tiêu cực và có thêm nhiều hơn những câu chuyện tử tế như thế này, cuộc sống sẽ đáng yêu, đáng sống hơn biết bao nhiêu..!
Bích Diệp