Bài học quản lý nào từ câu chuyện mới "Alibaba và những tên cướp cạn"?

(Dân trí) - Nếu như Alibaba trong câu chuyện cổ tích "Alibaba và 40 tên cướp" là một chàng trai thông minh, dùng trí tuệ của mình để chiến thắng những tên cướp hung bạo thì ở Việt Nam, tệ thay, Alibaba lại là một công ty được tổ chức như một doanh nghiệp bán hàng đa cấp, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người dân.

Bài học quản lý nào từ câu chuyện mới Alibaba và những tên cướp cạn? - 1

Cho đến thời điểm này, sự việc cũng đã tương đối rõ ràng. Như Dân trí đã đưa tin, theo kết quả điều tra ban đầu được cơ quan điều tra công bố, 2 bị can: Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên đã thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp (trong đó có một số rất ít đất ở tại nông thôn) giao cho các cá nhân đứng tên và tự vẽ ra nhiều dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… rồi tổ chức quảng cáo là đất dự án để bán cho các khách hàng với số lượng hàng ngàn người và số tiền thu được lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Cách thức tổ chức huy động vốn của hệ thống Alibaba thực chất là một dạng kinh doanh đa cấp. Những người tham gia vào mạng lưới của công ty này còn được hướng dẫn, bằng sách in đàng hoàng, như những cuốn sổ tay, chỉ dẫn cụ thể cách lấy tiền của những người dân bình thường cho việc đầu tư, mua đất dự án.

Cụ thể như với để huy động một khoản tiền 400 triệu đồng, những người đứng đầu Công ty Alibaba khuyên nhân viên của họ nên vay thành các khoản nhỏ hơn, chẳng hạn 10 triệu đồng để đầu tư cho những dự án bất động sản đầy hứa hẹn (cho dù không có thật). Khi những nhân viên đó lừa được một số lượng lớn người góp vốn tham gia thì những nhân viên đó lại trở thành những trưởng nhóm, còn những người lần đầu góp vốn, theo lao, cũng "cắn câu" tham gia hệ thống trên. Và mạng lưới này ngày càng lan rộng với số lượng người tham gia lên tới hàng ngàn người.

Hậu quả bước đầu, như đã nêu, có hàng ngàn người bị lừa, 2 anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và những người liên quan thu được hàng ngàn tỷ đồng mà trên thực tế, hầu như họ không có trong tay một dự án được cấp phép nào từ cơ quan quản lý.

Câu chuyện trên cũng giống như các chuyện đã xảy ra tại hàng chục công ty bán hàng đa cấp trước đây mà Bộ Công Thương, Bộ Công an mấy năm trước đã mất rất nhiều thời gian, công sức tổ chức điều tra, thanh tra, xử lý. Đã có hàng chục công ty bị rút giấy phép, nhiều lãnh đạo các công ty bán hàng đa cấp có tính chất lừa đảo đã bị khởi tố, nhận án phạt tù. Nhưng cũng có tới hàng vạn người dân bị lừa đảo, mất tiền của, tài sản... mà đến giờ, hậu quả nhiều vụ việc vẫn chưa xử lý xong.

Như vậy, có thể nói, con "quái vật" bán hàng đa cấp đã tác oai tác quái từ nhiều năm về trước, tưởng đã biến mất, giờ đây lại xuất hiện, biến tướng dưới một vỏ bọc khác: Là một công ty đầu tư bất động sản. Và đúng thời điểm, thị trường nhà đất ở một số tỉnh phía Nam mấy năm nay đang trong tình trạng "sốt", việc đầu cơ đất mang lại lợi nhuận lớn đã khiến không ít người dân dễ dàng bị các nhóm nhân viên của công ty Alibaba đánh lừa, một cách có tổ chức, bài bản.

Điều may mắn là ổ nhóm lừa đảo bằng hình thức bán hàng đa cấp bất động sản trên bước đầu đã bị phát hiện, phá vỡ và chắc sẽ không thể tồn tại thêm. Nhưng ở đây, có một bài học về quản lý được rút ra: Dạng thức kinh doanh bán hàng đa cấp bất chính đã chưa hoàn toàn bị triệt tiêu dù các cơ quan nhà nước vừa qua đã có nhiều động thái xử lý, kiểm tra gắt gao, Nghị định về kinh doanh bán hàng đa cấp đã được sửa đổi, siết chặt lại.

 Do đó, các cơ quan quản lý vẫn cần phải cảnh giác, sớm phát hiện, xử lý những tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức kinh doanh này để tổ chức lừa đảo người dân, không để cho họ phát triển lên qui mô lớn. Bởi khi đó, cho dù có phát hiện được nhưng hậu quả để lại phải xử lý sẽ rất phức tạp.

Mạnh Quân