Ấm lòng người dân trên hành trình về quê tránh dịch Covid-19
(Dân trí) - Trước tình hình dịch Covid-19 ở TPHCM và các tỉnh phía Nam, hàng vạn người dân đã chọn cách về quê. Lao động nghèo ấm lòng hơn bởi nghĩa tình họ gặp trên suốt chặng đường hồi hương…
Tôi biết, không dễ dàng gì để hàng đoàn người dân rời TPHCM, Bình Dương và một số tỉnh thành khác lúc này. Đó là nơi họ đã sống, đã làm việc, đã dựng vợ gả chồng và sinh con đẻ cái, là quê hương thứ hai của họ.
Nhưng "TPHCM đang bị đau", một cơn đau dữ dội từ đại dịch Covid-19. Mỗi ngày, hàng nghìn người dân TPHCM được xác định mắc Covid-19. Cả nước dồn lực cho TPHCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Đời sống người dân, đặc biệt là người lao động các tỉnh mưu sinh ở đây trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Về quê!. Đó là quyết định không dễ dàng, bởi phía trước bao nhiêu điều phải lo. Giảm tải cho TPHCM tập trung mọi điều kiện, nhân lực để dập dịch, các địa phương đã lên kế hoạch và triển khai việc đón công dân của mình về quê.
Hơn 800 lao động Hà Tĩnh đã được trở về quê nhà trên chuyến tàu đặc biệt, hoàn toàn miễn phí. Tỉnh Bình Định thuê máy bay đưa 1.000 người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống, làm việc ở TPHCM về tránh dịch Covid-19.
Trong cơn bão Covid-19, hàng trăm công dân tỉnh Quảng Nam đã được địa phương này điều xe khách vào tận nơi đón về. Tỉnh Nghệ An mở kênh tiếp nhận nhu cầu của các lao động đang sinh sống, làm việc tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, đồng thời lên kế hoạch và phương tiện để đón hơn 10.000 công dân đã đăng ký về quê.
Nhiều người dân, chủ yếu là lao động nghèo không thể chờ đến lúc địa phương vào đón, họ đã chọn cách rời TPHCM bằng phương tiện cá nhân. Dù vậy, họ không cô đơn trên suốt chặng đường thiên lý hồi hương.
Nhiều địa phương đang gồng mình chống dịch, đang nỗ lực hết sức để đón công dân mình về quê nhưng vẫn luôn dành những hỗ trợ kịp thời cho đoàn người hồi hương đi qua địa bàn. Qua mỗi tỉnh, thành, người dân được tiếp thức ăn, nước uống, hỗ trợ khai báo y tế, xét nghiệm Covid-19 trong trường hợp cần thiết.
Tôi đã rưng rưng khi xem clip đoàn xe máy với lỉnh kỉnh hành lý rồng rắn theo chiếc những xe cảnh sát giao thông dẫn đoàn qua từng tỉnh thành, dù đó là đêm hay ngày, nắng hay mưa. Xúc động biết bao khi xe hỏng, đội cứu hộ sẵn sàng có mặt để họ không bị chậm hành trình.
Cảm động hơn khi những chiến sỹ cảnh sát giao thông, các cơ quan đoàn thể, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp chờ sẵn bên đường, trao từng chai xăng, nước lọc, ổ bánh mì… để chặng đường về quê của người dân vơi bớt nỗi lo.
Được bảo dưỡng xe khi đi qua Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Sáng (quê tỉnh Thanh Hóa) - một trong hàng nghìn người dân từ phía Nam về quê tránh dịch xúc động: "Đi đến đâu chúng tôi cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ, phát đồ ăn. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp và hạnh phúc".
Được yêu thương, được hỗ trợ, được san sẻ nỗi lo nên mỗi người dân trong đoàn người rời TPHCM đều tự ý thức được trách nhiệm của mình. Tuân thủ quy định về khai báo y tế, xét nghiệm Covid-19, tự chuẩn bị thức ăn, sẵn sàng ngủ ngoài bãi đất trống... họ đang cố gắng bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, bảo vệ người dân mỗi nơi mình đi qua.
Có người phải vượt hơn 1.000 cây số mới có thể đặt chân đến quê hương. Nỗi lo dịch bệnh chưa hẳn đã lùi lại sau lưng, nhưng dù sao trở về nhà trong thời điểm này, đó là niềm hạnh phúc bao người mong ngóng.
Những công dân này phải hoàn thành 21 ngày cách ly theo quy định của địa phương và phải tự chi trả các chi phí cách ly, xét nghiệm. Sự an toàn của người thân, của cộng đồng, của quê hương trong thời điểm này và thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào ý thức và trách nhiệm của mỗi người trong số họ.
Xin chia sẻ những khó khăn này và lòng khao khát ước mong một ngày không xa, dịch bệnh được đẩy lùi, khống chế, cuộc sống trở lại yên bình…