Ai đã "gắp đất" ra khỏi quy hoạch để giao cho nguyên Bí thư thành ủy?
(Dân trí) - Khi là Bí thư Thành ủy, ông được giao đất không qua đấu giá là đúng, nhưng, việc thửa đất 2 mặt tiền đã bị "gắp" ra khỏi quy hoạch đất đấu giá để giao cho ông, thì đó là một câu chuyện khác.
Những sai phạm trong giao đất cho ông Huỳnh Cư - nguyên Bí thư Thành ủy Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong kết luận thanh tra số 355/KL-TTCP ngày 4/3/2021.
Những sai phạm này liên quan đến thửa đất 2 mặt tiền đã được nguyên Bí thư Thành ủy Huế cất lên một ngôi nhà khá nguy nga, bề thế.
Lô đất này đã nằm trong danh sách để đưa ra đấu giá theo 2 quyết định của UBND TP Huế trong các năm 2016, 2017.
Thế nhưng, bằng cách nào đó, nó đã được "phù phép" đưa ra khỏi danh sách đấu giá với diện tích được tăng thêm và giao cho ông Huỳnh Cư vào năm 2017, thời điểm đó đang là Bí thư Thành ủy Huế. Việc giao lô đất này mà không qua đấu giá cho ông Huỳnh Cư đã vi phạm Điều 52, Điều 59 và Điều 188 Luật Đất đai 2013.
Một điều khiến dư luận không khỏi băn khoăn là mặc dù các thủ tục liên quan đến việc giao đất diễn ra trong năm 2017 nhưng Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế lại lấy giá xác định khởi điểm đấu giá năm 2016 để tính số tiền phải nộp cho ông Huỳnh Cư.
Ông Huỳnh Cư nguyên là Bí thư Huyện ủy Phú Vang, được điều động làm Bí thư Thành ủy Huế vào năm 2015 (hiện đã nghỉ đảm nhận chức vụ Bí thư Thành ủy từ năm 2020). Theo quy định tại khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai 2013, ông được giao đất ở không qua đấu giá theo diện cán bộ, công chức, viên chức chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, chiếu theo quy định, việc giao đất không qua đấu giá cho ông Huỳnh Cư là không sai. Người viết không hiểu vì sao những cán bộ cấp dưới đã "quá nhiệt tình" khi "gắp" thửa đất 2 mặt tiền thuộc đất đấu giá để giao cho Bí thư Thành ủy.
Kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc giao thửa đất nói trên cho ông Huỳnh Cư là "thể hiện sự tùy tiện, có dấu hiệu làm lợi cho cá nhân, làm thất thu ngân sách Nhà nước".
Trách nhiệm để xảy ra các vi phạm trên thuộc về Chủ tịch UBND TP Huế, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch TP Huế và các tổ chức, cá nhân liên quan qua các thời kỳ.
Gây thất thu cho ngân sách Nhà nước thì đã rõ, nhưng trong vụ việc này, có đúng là mỗi mình ông Bí thư Thành ủy được lợi khi được giao thửa đất ở vị trí đắc địa mà chỉ phải nộp số tiền ít hơn nhiều giá trị thực tế?
Và liệu rằng, toàn bộ sự việc chỉ là "sự tùy tiện" của đội ngũ cán bộ liên quan hay có động cơ, mục đích nào khác? Dư luận có quyền hoài nghi về vấn đề này, bởi người được lợi trước tiên là người có quyền lực cao nhất ở địa phương!
Việc truy thu số tiền sử dụng đất đúng với giá trị không chỉ đảm bảo cho các quy định về Luật Đất đai được thực thi mà còn răn đe, phòng ngừa "tham nhũng đất đai", biến tài sản nhà nước thành "món quà" để tư lợi của một bộ phận cán bộ, công chức.