66 năm trước, Hồ Chủ tịch đã viết về Hiệp ước thương mại

(Dân trí) - Năm 2019 tiếp tục là năm thứ hai liên tiếp, tăng trưởng đất nước vượt qua mốc 7%/năm. Sự tăng trưởng ngoạn mục này không thể không kể đến vai trò của các Hiệp ước thương mại.

66 năm trước, Hồ Chủ tịch đã viết về Hiệp ước thương mại - 1

Điều đáng ngạc nhiên là cách đây 66 năm (ngày 16/11/1954), trên báo Nhân dân số 264, với bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài: “Hiệp ước thương mại Xô – Pháp góp phần phát triển trao đổi kinh tế giữa Đông và Tây”.

Trong bài viết, Hồ Chủ tịch nhận định: “Kinh doanh với Liên Xô và khối dân chủ thì chỉ có lợi. Căn cứ nguyên tắc các chế độ khác nhau có thể cùng chung sống hòa bình, chính sách ngoại thương của Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân là phát triển việc trao đổi kinh tế trên cơ sở bình đảng, hai bên cùng có lợi. Sức mua của khối dân chủ nhân dân rất lớn. Buôn bán với khối dân chủ có thể dùng lối lấy hàng đổi hàng.

Thấy rõ lợi ích buôn bán với Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, nhiều chính phủ tư bản và nhiều giới kinh doanh phương Tây bất chấp sự ngăn cấm của đế quốc Mỹ đã ký nhiều hiệp ước và hợp đồng thương mại với Liên Xô và khối dân chủ nhân dân, như Hiệp ước Xô – Phần Lan, Xô – Anh, Xô – Pháp”.

Có một điều thú vị, đó là trong cuốn sách “Những bài viết của Bác Hồ trên báo Nhân Dân” do NXB Chính trị quốc gia ấn hành tháng 2/2016 thì bài viết đầu tiên của Hồ Chủ tịch trên báo Nhân dân số 01 ngày 11/3/1951 cũng là một bài liên quan đến kinh tế. Trong bài “Phong trào mua công trái”, Hồ Chủ tịch đã phân tích về “ích nước, lợi nhà” của việc mua công trái đồng thời vận động nhân dân hưởng ứng phong trào này.

Cũng cần nói thêm, trong cuộc đời của mình, Hồ Chủ tịch đã viết hàng vạn bài báo với nhiều ngôn ngữ khác nhau, đề cập đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như bày tỏ quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Về số lượng, có thời điểm mỗi năm, Hồ Chủ tịch viết khoảng 100 bài báo ví như từ ngày 11/3/1951 đến ngày 31/12/1954, Hồ Chủ tịch đã viết 359 bài riêng cho báo Nhân dân. Về giá trị nghệ thuật, với quan điểm “viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào” nên văn phong của Hồ Chủ tịch rất giản dị, dễ đọc, dễ hiểu, song cũng vô cùng uyên bác, sắc sảo. Những lý tưởng mà Người đề cập luôn thiết thực và gần gũi.

Về thể loại báo chí của Hồ Chủ tịch rất phong phú. Từ bình luận, chính luận, phóng sự, bút ký, ghi chép, tin vắn, minh họa… cho đến những thơ ca đều được Người sử dụng tùy theo từng hoàn cảnh và đối tượng “viết cho ai, để làm gì” một cách cụ thể.

Về văn phong, Hồ Chủ tịch sử dụng nhiều giọng điệu, khi đanh thép, lúc nhẹ nhàng, khi hài hước, hóm hỉnh, lúc mỉa mai, chế giễu… Với sự hiểu biết vô cùng phong phú, Người còn sử dụng rất đắc địa những ca dao, thành ngữ, tục ngữ và cả các điển tích cổ trong các bài viết của mình.

Đặc biệt, Hồ Chủ tịch có tác phong viết ngắn. Điều này càng phù hợp với xu hướng báo chí hiện đại hôm nay, khi mà nhịp độ của cuộc sống luôn gấp gáp, đặc biệt là với các loại hình báo điện tử.

Trở lại với bài báo trên, ở phần kết luận, Hồ Chủ tịch viết: “… những trao đổi về kinh tế và văn hóa giữa các nước ngày càng phát triển là những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp củng cố hòa bình và được nhân dân toàn thế giới nhiệt liệt hoan nghênh”.

Đây có lẽ là một quan niệm rất mới ở thời điểm đó, khi mà thương mại thường gắn với chiến tranh vì sự chiếm lĩnh thị trường. Song, Hồ Chủ tịch lại khẳng định một chân lý mới: “kinh tế và văn hóa giữa các nước ngày càng phát triển là những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp củng cố hòa bình”.

66 năm đã đi qua, những nhận định của Bác đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bùi Hoàng Tám