64 phong bì gần 1 tỉ &“lời thề 100% không nhận hối lộ”!
(Dân trí) - Mới cách đây vài ngày, thông tin từ TAND TPHCM cho biết cơ quan này đã hoàn tất hồ sơ chuẩn bị xét xử bị can Nguyễn Trường Duy (sinh năm 1968, nguyên công chức đội Kiểm soát hải quan - Cục Hải quan TPHCM) về tội nhận hối lộ.
Theo cáo trạng, với việc lợi dụng nhiệm vụ được giao là kiểm tra các container hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp trước khi thông quan, Duy đã liên hệ, dọa dẫm, gợi ý, ép buộc các chủ doanh nghiệp và người làm dịch vụ hải quan phải thỏa thuận chi tiền để hàng hóa được hanh thông, không bị kiểm tra.
Thậm chí, chỉ trong vài ngày Duy đi nước ngoài không kịp cất giấu, cơ quan chức năng phát hiện các doanh nghiệp đã nhét 64 phong bì trị giá gần 1 tỷ đồng vào nhà Duy.
Nhiều độc giả khi tiếp nhận thông tin này đã không khỏi sửng sốt, đặt câu hỏi: Chỉ “vài ngày vắng nhà” mà đã như vậy thì“365 ngày có mặt ở nhà” sẽ thế nào?Con số khó mà tưởng tượng nổi!
Từ vụ việc Nguyễn Trường Duy bị bắt quả tang nhận hối lộ, tất nhiên cũng không thể đánh đồng, “vơ đũa cả nắm” mà chụp mũ cho sự tiêu cực của cả ngành hải quan, của các cán bộ, công chức Nhà nước khác. Song cũng phải nói rằng, trong bộ máy Nhà nước có những bộ phận được đánh giá là “nhạy cảm” và nhiều nguy cơ, khả năng xảy ra tiêu cực rất cao, đặc biệt là khi tính chất “xin-cho” trong các giao dịch trực tiếp giữa cán bộ, công chức Nhà nước với người dân, doanh nghiệp vẫn hiện hữu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ mới đây cũng đã không giấu được sự “sốt ruột” trước tình trạng giấy phép con (điều kiện kinh doanh) còn tồn tại tới con số 5.719, trong đó, bộ nhiều nhất quản lý 1.220 điều kiện kinh doanh, còn ít nhất cũng 106 điều kiện. Đó là chưa nói đến những biến tướng của “giấy phép con” dưới dạng công văn chỉ đạo, giấy xác nhận… liên tục “sinh sôi” với mục đích gây khó dễ, tạo điều kiện cho tư lợi.
“Giấy phép kinh doanh rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp” – người đứng đầu Chính phủ “phê”. Chính nhận xét của Thủ tướng cũng cho thấy, lãnh đạo Chính phủ đã nhìn rất đúng, rất trúng vấn đề cần giải quyết.
Thử hỏi rằng, thực tâm có người dân nào, doanh nghiệp nào lại muốn phải chi phí thêm những khoản “đi đêm”, “gầm bàn” cho được việc? Lỗi do cơ chế tạo ra con người, hay con người tạo ra cơ chế? Nếu cứ theo nguyên tắc mà làm, tất cả đều tuân thủ pháp luật, không có vòi vĩnh, không “cho” thì sẽ không ai phải “xin” – đó là điều chắc chắn!
Ngay như vụ Nguyễn Trường Duy, nội dung tố cáo của các doanh nghiệp cũng đã nêu: “Do quá bức xúc trước hành vi trắng trợn của vị công chức, một số doanh nghiệp đã quyết vạch trần bộ mặt thật của Duy”. Và “tuy biết hành vi của Duy đã gây khó khăn cho mình, nhưng các doanh nghiệp vì muốn kinh doanh thuận tiện, hàng hóa về đúng thời gian, nên đã miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu”.
Có lẽ, một phần bởi những bất cập về cơ chế như thế, nên dù biết, lương công chức chỉ “ba cọc ba đồng”, dăm ba triệu đồng mỗi tháng, nhưng vẫn rất nhiều người cố “chạy” vào công chức nhằm kiếm chác.
Thời gian gần đây, nhiều vụ tham nhũng đã bị phơi bày, nhiều quan tham, “sâu mọt” đục ruỗng ngân sách đã bị lôi ra ánh sáng. Dù cứ mỗi một đại án như thế, nghe đến hàng trăm, nghìn tỷ đồng thiệt hại, ai cũng rất chua xót, đau lòng… nhưng nếu không mạnh tay và “làm nóng” thì sẽ còn rất nhiều nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân, tài sản của Nhà nước tiếp tục bị bòn rút và đục khoét, tổn hại đến lòng tin của nhân dân.
“Đau” nhất là cùng thời điểm Nguyễn Trường Duy bị bắt, tất cả các Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Tổng cục này đã ban hành nghị quyết, trong đó cam kết 100% cán bộ, đảng viên nói không với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng…
Bích Diệp