550 triệu - Giá bản quyền hay giá của sự kỳ vọng?

(Dân trí) - Mấy ngày gần đây, dư luận đang xôn xao bởi việc tập thơ “Quà cho con” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng được Công ty Tân Việt mua tác quyền trong vòng 5 năm với mức giá 550 triệu đồng. Tác giả còn tiết lộ, ban đầu Tân Việt đưa ra mức giá 2 tỷ để mua đứt bản quyền sử dụng.


(Minh Họa: Ngọc Diệp)

(Minh Họa: Ngọc Diệp)

“Quà cho con” là cuốn sách bao gồm 100 bài thơ là những tâm sự về cuộc sống, lẽ đời, những lời khuyên bảo răn dạy đạo đức, kỹ năng sống dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên của một người cha, được vần điệu hóa. Đại loại như: “Khó khăn là chuyện bình thường/ Như xe đang chạy gặp đường mấp mô/ Dòng đời gian khổ đẩy xô/ Thường tình như thể thủ đô tắc đường/ Chịu khổ để luyện kiên cường/ Hi sinh để thấm tình thương vơi đầy/ Chịu đựng, kiên nhẫn dựng xây/ Vượt qua khó nhọc sẽ đầy vinh quang..."(bài Chịu đựng và hy sinh)

Không cần đến 2 tỷ đồng, chỉ cần 550 triệu thôi thì cũng đã là một kỷ lục xưa nay chưa từng có cho tác quyền của một tập thơ. Huống hồ ở đây thật khó có thể bàn đến thơ, đến chất lượng nghệ thuật của cuốn sách được xuất bản dưới hình thức một tập thơ này. Vậy, 2 tỷ hay 550 triệu này là giá của bản quyền hay giá của sự kỳ vọng?

Cái công ty trả bản quyền 550 triệu, nếu không vì một lý do bí ẩn nào khác, chắc là có tham vọng coi đây như một cuốn sách công cụ, thứ cẩm nang gối đầu giường không thể thiếu cho hàng chục triệu phụ huynh và học sinh hàng năm, có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục thanh thiếu niên, nên mới trả giá như vậy. Và phụ huynh trong thời buổi bận rộn này chắc cũng có kỳ vọng coi cuốn sách như chiếc gậy thần thay mình dạy giỗ con cái, giúp chúng nên người, nên mới nức lòng.

Kỳ vọng của nhà xuất bản và dư luận chào đón của độc giả mà phần lớn là các bậc phụ huynh làm chúng ta giật mình. Liệu có phải SGK Đạo đức trong trường học đã quá thiếu những bài học cần thiết cho việc trang bị phẩm hạnh cũng như kỹ năng sống của trẻ? Hay kiến thức, công cụ giáo dục con cái của các bậc phụ huynh hiện nay quá thiếu thốn, nghèo nàn? Và rằng liệu có phải chỉ cần những lời răn dạy thôi, chúng ta sẽ có các con ngoan trò giỏi?

Để giáo dục đạo đức lối sống cho con trẻ, các cuốn SGK Đạo đức trải qua các thời kỳ với nhiều tên gọi: Luân lý, Đạo đức, Giáo dục Công dân, gồm các bài học nhằm giáo dục học sinh trở thành trò ngoan, con ngoan, công dân tốt, đã thực sự làm tốt vài trò của nó. Với tôn chỉ “tiên học Lễ, hậu học Văn” môn học đạo đức đã góp phần làm nên hình ảnh “trường ra trường, lớp ra lớp”; “Thầy ra Thầy, trò ra trò”.

Tuy nhiên gần đây, có nhiều biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống trong một bộ phận thanh thiếu niên. Ham chơi, bỏ học, hút xách, đua xe, kết bè kết nhóm nổi loạn, đánh bạn, đánh thầy, quay cóp gian lận trong thi cử... đủ cả! Có lẽ xuất phát từ sự trăn trở về hiện thực đáng báo động ấy mà tác giả “Quà cho con” đã viết cả 100 bài thơ với mong muốn trang bị nhận thức, giúp trẻ rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống .

Còn nhớ, bài học về đức tính thật thà mà Sách giáo khoa cấp 1 ngày nào cũng từng được viết thành thơ:

...Thấy năm đồng bạc

Của ai đánh rơi

Thanh nhặt lên rồi

Đem trình cô giáo

Tươi cười cô bảo

Đáng khen em ngoan

Thấy của không tham

Cho mười điểm tốt.

Bài thơ được học trò thời ấy thuộc nằm lòng. Nhưng có ai dám cả quyết rằng tất cả họ lớn lên đều thật thà?

Chúng ta đều hiểu, muốn con trẻ sống biết phải trái, biết làm người tử tế, biết vượt lên mọi thử thách để thành công, trước hết các bậc cha mẹ, thầy cô phải là tấm gương sáng. Con trẻ cần những lời răn dạy, nhưng con trẻ còn cần cả những tấm gương để biến những điều răn dạy trở nên gần gũi, không xa vời, sáo rỗng.

Bởi thế, thay vì kỳ vọng quá mức vào việc con mình sẽ thuộc làu làu cả trăm bài thơ rồi nghiễm nhiên trở thành người tử tế, giỏi giang, các bậc phụ huynh ngoài việc dạy giỗ hãy phấn đấu trở thành tấm gương sáng cho con em mình.

Có một nhà giáo dục nổi tiếng đã từng nói: “Giáo dục là thắp lên một ngọn lửa ,chứ không phải đổ đầy một bình chứa”.

Cát Thụy