Giật mình với tập thơ dạy trẻ con được trả giá 3 tỷ đồng
(Dân trí) - Trong khi các nhà thơ – nhà văn phải chật vật bỏ tiền túi ra in thơ hoặc bán không ai mua thì 100 bài thơ dạy con của một tác giả “vô danh tiểu tốt” như Nguyễn Huy Hoàng được một tập đoàn lớn mua bản quyền sử dụng với giá 3 tỷ đã làm chấn động làng văn.
Làm 100 bài thơ để dạy con sống tốt
Tác giả Nguyễn Huy Hoàng (sinh 1976) hiện đang làm việc tại Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch. Anh đã có gia đình và đang là ông bố của 2 con (một 9 tuổi, một 3 tuổi). Anh không phải là nhà thơ chuyên nghiệp mà chỉ xem việc sáng tác thơ như cách để giải tỏa cảm xúc của riêng mình.
Anh Hoàng cho biết, anh sinh ra trong một gia đình nghèo của xã Tứ Mỹ, Tan Nông, Phú Thọ. Tuổi thơ của anh gắn liền với ruộng đồng và thiếu thốn vật chất. Vì lẽ đó mà những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường anh luôn mang tâm lý tự ti vì so với bạn bè cùng trang lứa ở các vùng thị trấn, thị xã, thành phố… anh “lạc hậu” hơn họ rất nhiều. Lên cấp 3, trong khi bạn bè đã là những “người trẻ” thì anh vẫn còn là một “cậu bé” mới bước ra khỏi lũy tre làng. Cũng từ hoàn cảnh đó mà anh luôn đau đáu muốn viết một cái gì đó, trước là để răn mình, sau thì sẽ truyền dạy lại cho con.
“Ngày xưa, không chỉ ở quê tôi mà ở các vùng quê nghèo nói chung đời sống tinh thần lẫn vật chất rất lạc hậu nên kỹ năng sống của trẻ em rất yếu. Đi đến đâu trẻ em nông thôn cũng mang những cũng sợ vô hình khiến họ không tự tin. Nghĩ đến sự thiếu thốn kỹ năng sống của bản thân mà tôi cứ trăn trở mãi. Thời đó, học xong cấp 3 mà tôi còn chưa biết gì ngoài biết cày ruộng giúp mẹ”, anh Hoàng rơm rớm nước mắt.
Anh Hoàng kể, một lần sinh nhật con gái, nhà có khách. Bố bảo con ra chào khách thì mẹ quát bảo con vào trong để người lớn nói chuyện. Tối hôm đó cô con gái khóc bảo: “Bố mẹ ạ, con xin có ý kiến, con đến lớp cô bảo khi nào cô cho nói mới được nói, cho làm mới được làm, hỏi thì giơ tay phát biểu, không được tự tiện làm việc theo ý mình. Ở nhà mẹ bảo có khách phải khiêm tốn, bố thì bảo phải mạnh dạn, con không biết phải làm thế nào”. Nghe con nói thế, anh Hoàng thương con quá nên có bảo với con gái là từ hôm nay bố sẽ giúp con, bố sẽ làm thơ mỗi tối để dạy con nên cư xử thế nào. Nói là làm, bắt đầu từ hôm đó, tối nào anh Hoàng cũng chong đèn làm thơ. Bài đầu tiên là “Xin chào” tức dạy con biết chào hỏi mọi người xung quanh sao cho đúng phép tắc. Bài thứ hai là “Xin lỗi” tức biết nói lời xin lỗi khi thấy mình làm sai. Cứ thế liên tục trong 3 tháng là xong 100 bài thơ.
Tất nhiên, nói 3 tháng là xong 100 bài thơ nhưng trong khoảng thời gian đó đã có lúc anh Hoàng bị nguồn cảm hứng và ý tưởng. Anh đã từng có ý định bỏ cuộc bởi với một công chức nhà nước như anh thì việc sáng tác thơ quả không đơn giản. Trong cơn “bí bách” thì anh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cử đi công tác ở Nhật Bản. Ở đây anh gặp một người đàn ông Nhật Bản lấy vợ là người Việt nên nói tiếng Việt rất sõi. Qua trò chuyện, người đàn ông Nhật thổ lộ với anh là rất yêu Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Biết người đàn ông này có tâm hồn thơ phú nên anh Hoàng mạnh dạn mở trang cá nhân đọc cho ông ta nghe một số bài thơ đã sáng tác của mình. Nào ngờ, người đàn ông này rất thích.
Ông đã hẹn gặp anh Hoàng một buổi riêng và chia sẻ rằng đất nước Nhật mấy chục năm về trước rất cần những bài thơ dạy kỹ năng sống như thế này. Nhật Bản đã từng đi sưu tầm những bài thơ dạy về kỹ năng sống in thành cuốn để tặng cho các gia đình và hình thành một văn hóa Nhật đến tận bây giờ. Những lời chia sẻ của người đàn ông Nhật như tiếp thêm động lực cho anh Hoàng tiếp tục “công cuộc” sáng tác của mình. 100 bài thơ gắn liền với những chủ đề dạy con đã hoàn thành vào tháng 12/2015.
Trả 3 tỷ đồng không bán
Sau khi hoàn thành bản thảo, thông qua một vài kênh kết nối đã có rất nhiều nhà xuất bản tìm đến ngỏ lời mua bản quyền 100 bài thơ này để in thành sách.
“Trong quá trình đi tìm nhà phát hành thật sự phù hợp để phát hành 100 bài thơ này thì có một số nhà sách đã tìm đến tôi và trả giá khá cao. Họ bảo, sẵn sàng cam kết in 50.000 bản đầu tiên, phần trăm nhuận bút là 14 - 15%. Có nhà sách còn bảo sẽ dịch ra tiếng Anh để phát hành quốc tế.
Thậm chí, có tập đoàn lớn đã tổ chức họp hội đồng quản trị 3 lần, cả 3 lần đều mới tôi đến và bảo sẽ trả cho tôi 3 tỷ đồng nhưng với điều kiện họ được toàn quyền làm gì thì làm với 100 bài thơ này. Có thể họ sẽ chế lời thơ để phục vụ mục đích quảng cáo hoặc đòi cho Chủ tịch Hội đồng quản trị đứng tên đồng tác giả. Tôi thấy việc này không hợp lý vì thơ tôi không thể làm như thế nên tôi không đồng ý. Mục tiêu của tôi không hẳn vì tiền mà muốn phổ biến những bài thơ này ra cộng đồng. Tôi khổ từ bé nên muốn cho các cháu vùng cao, vùng sâu,vùng xa… có n điều kiện khó khăn được đọc”, anh Hoàng nói.
Sau khá nhiều cuộc thương thảo bất thành, cuối cùng anh Hoàng chọn cách nhượng quyền sử dụng trong 5 năm cho nhà sách T.V tại Hà Nội với giá 550 triệu đồng. Đây là một con số kỷ lục bởi trước nay chưa có tác giả nào nhượng quyền sử dụng thơ mà được trả giá cao đến thế.
“Quà cho con” gồm 100 bài thơ tương ứng với 100 kỹ năng sống thiết yếu dành cho độc giả lứa tuổi thanh thiếu niên và nhi đồng. Đây là cuốn cẩm nang giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống bằng thơ đầu tiên ở Việt Nam. Từ những bài học nhỏ như cách ngồi, cách ăn uống, cách bắt tay, cách dùng điện thoại nơi công cộng… cho đến những bài học về giá trị sống như lòng tự trọng, lòng hiếu thảo, lòng dũng cảm.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên nhận xét khi đọc tập thơ: “Có bài làm cho bạn giật mình vì sự chân thành, có bài cho bạn thêm động lực, ý chí và truyền sức mạnh tiến lên. Có những tình huống khó, chưa biết cách ứng xử thế nào, đọc “Quà cho con” có thể giúp bạn giải quyết dễ dàng hơn”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “100 bài thơ với hơn ngàn câu thơ là những lời dạy con thật kỹ lưỡng, ân cần và đầy tình thương yêu. Tôi tin đó là một trong những cách dạy trẻ em có hiệu quả. Vần điệu hay nhạc tính của thơ vô cùng thích hợp để đi vào những tâm hồn thơ trẻ. Những bài học đạo đức đã được đời sống hóa một cách thiết thực và giản dị”.
Hà Tùng Long