3 niềm vui từ vụ việc xe công đến tận chân máy bay đón sếp
(Dân trí) - Chấp nhận con đường quan trường thì phải tự tu dưỡng bản thân, phải biết nhìn trước, ngó sau... còn không thì cứ việc nghỉ chứ có ai bắt được ai đâu, phải không các bạn?
Sự đời, “cái sảy, nảy cái ung”, nhất là dính dáng đến xe cộ. Một Trịnh Xuân Thanh sa vòng lao lý bắt đầu từ chuyện sử dụng xe ô tô biển xanh quá khung tiền qui định. Một Nguyễn Xuân Anh mất chức cũng bắt đầu từ chuyện dính đến ô tô…
Gần đây nhất là chuyện xe biển xanh của ông Lương Minh Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đón ông và người nhà tận cửa máy bay. Thế là dư luận xôn xao bình phẩm.
Nếu xét về lý, ông Sơn đi khám bệnh và theo Thông tư 13/2019 của Bộ GTVT đối với các đối tượng được xem xét cấp thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không thì Phó Bí thư Tỉnh ủy như ông là được phép.
Tóm lại, trừ việc cho con gái đi cùng (chuyện này bình thường thôi dù để con cháu ngồi trên xe công vụ thì cũng hơi chướng tý) thì ông Sơn không sai.
Thế nhưng tại sao dư luận lại ầm ĩ như vậy và việc này nói lên điều gì?
Về chuyện dư luận, có lẽ do quá “dị ứng” với việc không ít quan bác “biến xe công, thành xe ông”, coi tài xế cơ quan như osin nhà mình của thời gian dài trước đây.
Thật ra, quãng đường nghe đâu có hơn trăm mét, con cháu ông Sơn có thể tự đi bộ ra ngoài thì đã chả sao. Đằng này, chẳng biết đúng sai, tự dung thấy xe ô tô ầm ầm lao vào đón rước, cái hình ảnh ấy nó hơi “nhạy cảm”.
Nhất là hiện nay, không ít lãnh đạo gương mẫu, có tiêu chuẩn xe đưa đón nhưng vẫn ngày ngày chạy xe máy đến cơ quan.
Nghe đâu bây giờ, sự việc lại “chuyển hướng” sang việc ông Sơn đề nghị Công an vào cuộc còn truyền thông thì đặt vấn đề ông Sơn sử dụng loại xe này có đúng qui định không?
Vì với chức Phó Bí thư tỉnh ủy, ông Sơn chỉ được sử dụng loại xe trị giá dưới 920 triệu đồng. Trong khi, cái xe này lúc mới nghe nói có giá khoảng 2,4 tỉ đồng?
Song, từ việc này, cá nhân tôi lại thấy vui nhiều hơn buồn.
Vui bởi thứ nhất, đó là sức mạnh của truyền thông chính thống và cả cộng đồng mạng ngày càng được lắng nghe, khẳng định.
Thứ hai, là tinh thần giám sát của người dân đang từng bước được nâng cao . Các “quan bác” giờ đây luôn phải “nhìn trước, ngó sau” giữ gìn từng tý chứ chả dám ngông nghênh như vài ba năm trước.
Thứ ba, nó cảnh tỉnh cho những ai đó tự coi mình như “ông vua con”, coi dân như “cỏ rác” biết nhận ra chân giá trị của mình để rèn luyện, tu dưỡng mà gần dân, mà bình dị...
Xem ra làm quan thời nay có lúc cũng chẳng sung sướng gì (có lúc thôi chứ có lẽ cơ bản, hầu hết… là sướng). Lôi thôi, dân “soi” cho là có khi “cái sảy, nảy cái ung”, “thân bại, danh liệt” chỉ vì những thứ rất… vớ va vớ vẩn.
Ơ! Nhưng mà chấp nhận con đường quan trường thì phải chấp nhận những điều này. Phải tự tu dưỡng bản thân, phải biết nhìn trước, ngó sau… Còn không thì cứ việc nghỉ chứ có ai bắt được ai đâu, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám