24 tấm huy chương, nghĩ về chuyện anh nông dân “xúc tép nuôi cò…”

(Dân trí) - Chẳng lẽ chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là kẻ “gieo trồng” cho người khác “gặt hái”? Chẳng lẽ chúng ta mãi mãi chỉ là anh chàng nông dân trong câu ca dao cổ: “Công anh xúc tép nuôi cò – Đến khi cò lớn cò dò lên cây”?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một thông tin làm nức lòng không chỉ những người làm giáo dục trước Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đó là cả 24 thí sinh của đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành 24 tấm huy chương danh giá trong kỳ thi IMSO 2016 được tổ chức tại Indonesia. Đây là kỳ thi uy tín trên thế giới, thí sinh tham gia thi hoàn toàn bằng tiếng Anh và được mong đợi nhất trong năm dành cho lứa tuổi dưới 13.

Kỳ thi IMSO dành cho học sinh 11-12 tuổi lần thứ 13 này có hơn 400 thí sinh đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những đội mạnh như Trung Quốc, Singapore, Bulgaria, Hà Lan, Iran, Đài Loan...

Trong số 24 tấm Huy chương của đoàn Việt Nam, Đội tuyển Toán giành 7 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng, xếp hạng cao nhất toàn đoàn. Đội tuyển Khoa học xếp thứ 5 với 10 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.

Đọc những thông tin, không chỉ vui mừng mà còn rất tự hào, song vẫn canh cánh một nỗi lo cho con đường phía trước của các em.

Có lẽ cũng nên công bằng, chưa thể khẳng định 24 gương mặt trẻ này là những tài năng khoa học mà chỉ là những chồi non đang được ươm mầm. Đây chỉ là bước khởi đầu, trong khi con người ta tựa như một cái cây. Để trở thành đại thụ, trước hết phải có hạt giống tốt, gieo vào mảnh đất tốt, gặp thời tiết thuận lợi và người chăm bón tốt. Vì thế, 24 gương mặt các em mới chỉ là 24 niềm hi vọng của tương lai đất nước.

Thế nhưng một khi đã thành tài, liệu các em có cống hiến cho quê hương hay lại “bóng chim, tăm cá” nơi xứ người? Đành rằng khoa học không có biên giới, ở đâu cũng là cống hiến cho nhân loại nhưng phải nói thẳng là không ở dâu bằng ở chính quê hướng mình, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng tuổi thơ. Không có niềm hạnh phúc nào bằng được phục vụ nhân dân mình, Tổ quốc mình.

Nhớ lại chuyện đã từng có 12/13 quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia sau khi được học bổng du học đã… “đất lành, cò đậu” nơi xứ người.

Đã không ít ý kiến chê trách các em, song nhìn ở góc độ bao dung hơn, vị tha hơn, có thể thấy phần nào thể tất.

Thứ nhất, chuyện đãi ngộ không thể nói là không hấp dẫn. Một chỗ làm thu nhập 2-3.000 USD hoàn toàn “mê hoặc” hơn một chỗ làm 2-300 USD. Đó là sự thật và dù có “đạo đức” đến đâu thì cũng khó có thể có cách nhìn nhận khác.

Thứ hai là môi trường làm việc. Trong khi môi trường nước ngoài (ngay cả các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam) rất khốc liệt nhưng chỉ khốc liệt ở chất lượng công việc. Nếu làm việc hiệu quả, sẽ được đánh giá tốt, lương trả cao và ngược lại.

Còn ở Việt Nam, nhiều khi chất lượng công việc chỉ là “chất phụ gia”. Cái quan trọng, cái quyết định lại hoàn toàn có thể đến từ sự yêu quí, bằng lòng hay các mối quan hệ “4 ệ”, thậm chí 5, 6 “ệ”.

Điều lo ngại thứ ba, đó là tâm lý ngại và thậm chí khinh ghét thói con ông, cháu cha. Đành rằng cũng có “4C” có năng lực nhưng không ít “em chã” vừa dốt vừa muốn ra oai, thể hiện. Và khi đó, sẽ là những cuộc “thanh trừng tàn khốc” mà phần thắng tất nhiên, thuộc cô cậu… “con giời”. Đây chính là liều thuốc triệt tiêu động lực nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Nguyên nhân thứ tư không thể không nhắc tới là môi trường sống của toàn xã hội. Có lẽ chẳng ai muốn “giã từ” một mảnh đất môi trường sạch sẽ, trong lành từ không khí đến đồ ăn thức uống để về một nơi mà sử dụng tất cả mọi thứ đều thiếu an tâm, ra đường còn nơm nớp nỗi lo tai nạn giao thông.

Nguyên nhân thứ năm, một số nhà khoa học sẽ về nước để làm gì khi thiếu những phòng thí nghiệm hay các trung tâm nghiên cứu hiện đại? Một nhà thiên văn học sẽ làm gì nếu tách ra khỏi những đài thiên văn lớn? Tất nhiên câu trả lời là sự bó tay, bởi giờ đây chẳng ai còn tìm hiểu thiên hà bằng cái ông nhòm cũ rích.

Vâng, câu hỏi đặt ra là chẳng lẽ chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là kẻ “gieo trồng” cho người khác “gặt hái”? Chẳng lẽ chúng ta mãi mãi chỉ là anh chàng nông dân trong câu ca dao cổ: “Công anh xúc tép nuôi cò – Đến khi cò lớn cò dò lên cây”?

Bùi Hoàng Tám