2 vụ tử nạn vì "tôn cứa cổ" và những ẩn họa trực chờ
(Dân trí) - Vụ tai nạn thương tâm xảy ra với một cháu bé trên đường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội cuối tuần trước (va quệt với xe xích lô chở tôn), cho đến nay, vẫn khiến bất cứ ai trong chúng ta cũng cảm thấy đau lòng và cảm thấy bất an.
Đau lòng bởi đó là một cháu bé tuổi còn rất nhỏ, mới 9 tuổi mà khi xảy ra sự việc, có rất nhiều người mà không ai có thể có biện pháp sơ cứu đúng cách- nếu có người biết, theo đánh giá của các bác sĩ, người ta vẫn hoàn toàn có thể cứu được cậu bé này.
Nhiều độc giả khi đọc bản tin về vụ việc trên, trên Báo Dân trí tuần trước cũng đã bày tỏ tâm trạng bàng hoàng, lo lắng. Không lo sao được khi hiện nay, ở Hà Nội, Hải Phòng hay TP Hồ Chí Minh và rất nhiều nơi khác, tình trạng những chiếc xe quá khổ, quá tải, chở những vật nặng, sắc nhọn, cồng kềnh... diễn ra rất phổ biến, hàng ngày, hàng giờ, ở nhiều tuyến đường. Nỗi lo sợ với những chiếc xe "tử thần", những "máy chém di động" này không không còn mơ hồ nữa mà đã quá rõ rệt: Con em của chúng ta hàng ngày đi học, đi chơi, thậm chí ngay chính với những người lớn cũng luôn phải đối mặt với những ẩn hoạ thường trực đó.
"Nói thật đi, sau vụ này, bạn có dám cho con mình đạp xe đạp ra đường, đến trường nữa không?", là một câu hỏi đầy day dứt được nhiều độc giả lặp lại.
Cho dù ngay sau vụ tai nạn, hôm qua (25/9), Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội đồng loạt ra quân để kiểm tra, xử lý các vụ xe thô sơ, xe tự chế, xe xích lô, ba gác... chở hàng quá khổ, quá tải gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông thì việc làm này vẫn dễ bị nhận xét là "mất bò mới lo làm chuồng". Bởi nếu như, việc kiểm tra, xử lý đó diễn ra thường xuyên, đều đặn hơn, có lẽ, những tai nạn như vụ việc nói trên đã không xảy ra.
Nhưng cũng ngay buổi chiều qua, một vụ tai nạn thương tâm tương tự đã xảy ra ở cầu Mai Lĩnh (Hà Đông, Hà Nội). Một người phụ nữ cũng đã tử vong tại bệnh viện, sau khi va chạm với một xe bò chở tôn và cũng bị cứa đứt vùng cổ.
Không chỉ ở vụ việc này, dễ thấy, những mối nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng người dân đang ngày càng nhiều. Gần đây, đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn do sự cẩu thả, sơ ý của con người, do yếu kém trong quản lý của nhà nước như các vụ chết đuối do rơi xuống các "hố tử thần"-những công trình đào bới lên mà không được san lấp, cảnh báo kịp thời. Vụ vỡ đường ống Thuỷ điện Sông Bung 2 làm người thiệt mạng. Một số vụ hoả hoạn gây chết người... Mà phần nhiều nạn nhân trong số đó là trẻ em, phụ nữ- những đối tượng yếu thế, khó bảo vệ mình hơn trong thực tế.
Do đó, để giảm thiểu các sự cố, các nguy cơ gây nên những tai nạn, thương tích cho người dân, không chỉ với mỗi người chúng ta đều phải chú ý đến việc tạo những kỹ năng sống cần thiết cho mình, cho người thân mà về phía các cơ quan nhà nước, phải có trách nhiệm cao hơn nữa trong quản lý giao thông, quản lý các công trình, dự án... để ngăn ngừa, loại bỏ đến tối đa những nguy cơ đó.
Nhưng có lẽ không nên chỉ dừng ở những lời kêu gọi về trách nhiệm. Các nhà làm luật, các nhà quản lý cần đưa ra và áp dụng những chính sách, quy định cụ thể hơn để ràng buộc trách nhiệm, xử lý mạnh tay, kể cả áp dụng điều luật hình sự, phạt tù với những hành vi thiếu trách nhiệm, xem thường quy định của nhà nước để xảy ra những tai nạn, sự cố nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Đã có quá nhiều tai nạn xảy ra nhưng thật tệ hại, có quá ít người trong bộ máy nhà nước phải chịu trách nhiệm cho những yếu kém trong lĩnh vực quản lý của mình, trước những hậu quả đó. Chỉ giải quyết hậu quả bằng bài ca "rút kinh nghiệm", hay "kiểm điểm nghiêm khắc", sẽ chẳng thể giảm bớt những câu chuyện đau lòng này.
Những người chở hàng quá khổ, chở sắt thép, tôn...gần như 100% là những người rất nghèo, có thể nói là có tới hàng vạn người làm nghề như vậy hàng ngày ở khắp nơi. Họ chở hàng đến mọi ngõ ngách, đến tận từng chợ xanh, khu dân cư...Không có những xe chở hàng này, sau đây họ sẽ chở bằng gì? Nói chung giải quyết bài toán này quá khó khăn nhưng với hàng loạt vụ tai nạn đau lòng này, không thể không làm. Và điều đó còn lệ thuộc cả vào chính nhận thức, sự sẵn sàng của tất cả các thành viên trong xã hội: Cảnh sát giao thông, những người chở hàng, sự lựa chọn của chúng ta-người tiêu dùng... chứ không hề giản đơn.
Mạnh Quân