17 năm tù = “phê bình trảm” & “kinh nghiệm trảm”!

(Dân trí) - Những người gây oan sai cho ông Nén ở Bình Thuận cần phải được xử lý tương tự như những người gây ra oan sai cho ông Chấn ở Bắc Giang. Không thể cùng trong một quốc gia, cùng một chế độ, cùng một luật pháp mà nơi xử thế này, nơi xử thế khác, phải không các bạn?


(Người tù thế kỉ Huỳnh Văn Nén)

("Người tù thế kỉ" Huỳnh Văn Nén)

Có thể lịch sử ngành tư pháp sẽ mãi mãi “lưu danh” hai vụ án làm “mất mặt” mình, đó là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận.

Cả hai ông đều bị khép tội giết người. Một ông án tử hình (sau hạ xuống chung thân), đã thi hành án được 10 năm. Một ông án chung thân, đã thi hành án được 17 năm.

Bây giờ cả hai ông đã được minh oan. Ông Chấn đã nhận số tiền bồi thường 7,2 tỉ đồng. Ông Nén thì chưa nhưng chắc chắn sẽ được nhận bồi thường trong thời gian tới. Số tiền hiện chưa xác định nhưng chắc không nhỏ.

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản, vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn đã giải quyết xong và cả hai bên đều tạm thấy hài lòng Ông Chấn, ngoài số tiền đền bù, những người gây oan sai cho ông đã phải chịu trách nhiệm. Các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đều bị khởi tố.

Thế nhưng với ông Nén thì ngược lại. Ngoài việc chậm trễ trong bồi thường tổn thất bằng kinh tế, cho đến nay ông Nén vẫn chưa được nhận đồng nào thì việc xử lý những người gây oan sai cho ông đã khiến dư luận… ngạc nhiên.

Theo nguồn tin riêng của báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, TAND tỉnh Bình Thuận vừa có cuộc họp kiểm điểm đối với hai thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân trong HĐXX sơ thẩm xử vụ hủy hoại tài sản, giết người, cướp tài sản đối với ông Huỳnh Văn Nén vào ngày 31-8-2000 (vụ bà Lê Thị Bông bị sát hại).

Bài báo cho biết, phiên tòa sơ thẩm kết án chung thân ông Nén khi đó có năm người, gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhưng một hội thẩm đã qua đời. Vì vậy, TAND tỉnh Bình Thuận chỉ tiến hành họp kiểm điểm với bốn người còn lại. Cụ thể, những người bị kiểm điểm gồm Thẩm phán Nguyễn Thanh Tâm, chủ tọa phiên tòa (hiện là phó chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Bình Thuận); Thẩm phán Nguyễn Thị Lộc và hai hội thẩm.

TAND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất áp dụng hình thức phê bình, rút kinh nghiệm đối với HĐXX sơ thẩm kết án oan ông Nén và gửi văn bản về TAND Tối cao để báo cáo.

“Hoan hô” sự “nghiêm túc” của TAND tỉnh Bình Thuận. Một vụ án đau lòng với mức án chung thân, người dân lương thiện bị đẩy vào vòng lao lý với đằng đẵng 17 năm tù vắt qua 2 thế kỉ, gia đình tan nát, sức khỏe suy sụp, tuổi trẻ tiêu tan, nhà nước phải bỏ một khoản tiền lớn từ đóng thuế của dân ra đền bù… Thế nhưng những người trực tiếp gây nên nỗi đau này, sự mất mát này “đã được” xử lý “nghiêm túc” bằng hình thức… phê bình và… rút kinh nghiệm?

Khó có thể nói khác với hai từ: Hài hước! .

Có thể rồi đây, TAND Tối cao sẽ không đồng ý với hình thức kỉ luật này bởi nếu như vẫn còn hình thức “phê bình trảm” và rút mãi “sợi dây” kinh nghiệm thì oan sai đến bao giờ mới dứt?

Những người gây oan sai cho ông Nén ở Bình Thuận cần phải được xử lý tương tự như những người gây ra oan sai cho ông Chấn ở Bắc Giang.

Không thể cùng trong một quốc gia, cùng một chế độ, cùng một luật pháp mà nơi xử thế này, nơi xử thế khác, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám