Xem xét xử lý hơn 50 dự án treo, chậm tiến độ tại Nghệ An
(Dân trí) - Tại TP Vinh, Nghệ An tồn tại không ít dự án chậm tiến độ, kéo dài hàng chục năm. Trước thực trạng này, tỉnh Nghệ An kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Cuối năm 2021, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Nghệ An thành lập đoàn giám sát chuyên đề "Về các dự án treo, chậm tiến độ và sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn".
Ngày 14/2, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh có công văn về việc rà soát danh mục dự án chậm tiến độ, không triển khai năm 2022 tại TP Vinh. Tháng 3, UBND TP Vinh cũng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An báo cáo, đề nghị kiểm tra các dự án chậm tiến độ trên địa bàn.
Theo đó, 53 dự án chậm tiến độ tại TP Vinh đã được nêu tên như: Dự án khu thương mại dịch vụ gắn với nhà ở và trụ sở làm việc của Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư 492; Khu văn phòng, chung cư và nhà ở liền kề của Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng công trình 465; Trung tâm thương mại, khách sạn dịch vụ, nhà ở và biệt thự cao cấp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Thái Thịnh; Khu đô thị Đồng Dâu kết hợp nhà ở cho người có thu nhập thấp của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Đại Huệ...
Trong số các dự án nói trên, phải kể đến khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở chung cư cao tầng tại phường Hưng Dũng (nằm ở mặt đường đại lộ Lê Nin), do Tổng công ty hợp tác kinh tế Việt - Lào làm chủ đầu tư. Dự án này được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2010, với tổng diện tích được giao thực địa là 4.056 m2.
Năm 2018, dự án này được UBND tỉnh Nghệ An cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, chi nhánh Nghệ An với diện tích 1.500m2.
Sau đó, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình tiếp tục chuyển nhượng đất (1.500 m2) cho Công ty cổ phần Hoa Sen. Đồng nghĩa với việc, trên diện tích hơn 4.056 m2 ban đầu của dự án, một chủ đầu tư, nay có 3 nhà đầu tư với 3 dự án.
Hay như dự án Khu thương mại dịch vụ gắn với nhà ở và trụ sở làm việc của Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư 492 (phường Lê Lợi, TP Vinh). Dự án được phê duyệt năm 2010 với diện tích hơn 2 ha gồm 50 lô nhà ở thấp tầng và trụ sở làm việc. Nhưng đến nay, dự án này chỉ là nơi tập kết phế liệu, các loại máy móc hoen gỉ.
Để rõ hơn về dự án này, phóng viên đã liên lạc bằng điện thoại với ông Nguyễn Anh Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư 492 nhưng không nhận được câu trả lời.
Theo ghi nhận, hiện nay, nhiều dự án nói trên vẫn chưa san lấp, mặt bằng chưa hoàn thiện, cây cối mọc um tùm… dù được phê duyệt nhiều năm qua.
Trong đó phải kể đến dự án Trung tâm thương mại dịch vụ của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển Hoàng Tuấn (phường Vinh Tân); Khu thương mại và dịch vụ tổng hợp của Công ty dịch vụ thương mại Vinh Thịnh Vượng (phường Vinh Tân), dự án Trường mầm non mimi tại phường Quán Bàu…
Quyết liệt thu hồi dự án treo, chậm tiến độ
Bên cạnh lãng phí tài nguyên đất đai, chậm hình thành đô thị theo quy hoạch thành phố Vinh đã được phê duyệt, thì các dự án chậm tiến độ đang làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm... Đó là đánh giá của đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An sau khi khảo sát 53 dự án chậm tiến độ được UBND thành phố Vinh "điểm tên".
"Nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án, ngoài năng lực của chủ đầu tư hạn chế về tài chính còn có tình trạng giữ đất hoặc vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, cũng phải kể đến trách nhiệm của địa phương như: Chưa xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đấu nối, việc điều chỉnh, thay đổi quy hoạch cũng làm chậm tiến độ dự án", một cán bộ UBND TP Vinh chia sẻ.
Thậm chí, những dự án chậm tiến độ cũng gây bất ổn, xáo trộn đời sống; tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội của thành phố, ảnh hưởng an toàn, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân…
Nói về các dự án chậm tiến độ, ông Trần Ngọc Tú - Chủ tịch UBND TP Vinh - cho biết, hiện nay các dự án chậm tiến độ thuộc thẩm quyền xử lý của tỉnh, thành phố là đơn vị cơ sở theo dõi.
Ông Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An - cho biết: "Thành phố cần định vị, phân loại dự án theo nhóm dự án treo, chậm tiến độ và sử dụng đất không đúng mục đích theo đơn vị hành chính. Mỗi nhóm và mỗi dự án cần phân tích rõ nguyên nhân và hệ lụy cụ thể, đề xuất phương án để xử lý. Thành phố cần tiếp tục chủ động rà soát, kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn để tiếp tục kiến nghị tỉnh kiểm tra, xử lý; đồng thời rà soát những dự án đã được kiểm tra và có kết luận để triển khai thực hiện".
"Thành phố Vinh cần tăng cường cải cách hành chính, đạo đức công vụ; trong đó chú trọng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư có năng lực và thiện chí muốn làm để thúc đẩy việc triển khai các dự án đầu tư. Ngược lại đối với các chủ đầu tư năng lực yếu, trách nhiệm triển khai hạn chế thì cần phải có chế tài để kiên quyết xử lý. Thành phố cũng cần quan tâm rà soát các quy định và quy hoạch để đảm bảo sự phát triển đồng bộ; quan tâm đầu tư hạ tầng kết nối, đảm bảo các dự án triển khai thuận lợi…", Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An cho biết thêm.
Theo báo cáo của UBND thành phố Vinh, trong 6 năm (2016 - 2021), UBND thành phố này đã đề xuất, phối hợp với đoàn liên ngành của UBND tỉnh kiểm tra, xử lý 158 dự án chậm tiến độ trên địa bàn, chiếm khoảng 90% tổng dự án được kiểm tra, xử lý. Trong đó, 39 dự án kiểm tra 2 lần; 5 dự án kiểm tra 3 lần; một dự án kiểm tra 4 lần.
Thông qua kiểm tra, tỉnh đã thu hồi, hủy bỏ pháp lý 21 dự án. Hiện tại, TP Vinh đang tiếp tục kiến nghị kiểm tra, xử lý 53 dự án đầu tư trên địa bàn.