Vợ chồng lục đục vì môi giới bất động sản gọi điện quảng cáo lúc nửa đêm

Việt Vũ

(Dân trí) - Nhiều trường hợp nhân viên bán nhà đất gọi điện làm phiền khách hàng đang chạy xe trên đường quốc lộ, trong cuộc họp, thậm chí chào mới mua đất lúc nửa đêm.

Chồng ghen vì tư vấn bất động sản gọi điện lúc 22 giờ

Làm trong ngành tài chính, ngân hàng với mức lương hàng tháng lên tới 9 con số, nên từ lâu, chị Ánh (37 tuổi, Hà Nội) đã nằm trong danh sách ưu tiên của nhiều công ty bảo hiểm, cho vay tài chính, nhất là các công ty địa ốc, hoặc các công ty môi giới bất động sản.

Chị Ánh kể, cách đây vài ngày, đúng 22h đêm chị bất ngờ nhận được một cuộc gọi của một nam nhân viên môi giới tên T. . Vừa nghe T. giới thiệu về một dự án chung cư cao cấp tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), chị Ánh lập tức cúp máy vì không có nhu cầu mua thêm nhà ở thời điểm này. Đúng lúc đó, chồng chị để ý, tưởng vợ đang giấu diếm chuyện gì.

Lúc đó, chồng chị Ánh nghĩ vợ có người thứ 3, liền trách mắng vợ. Đáng nói khi cả hai vợ chồng gọi điện lại vào đầu số trước đó, đầu dây bên kia lại không nhấc máy, gọi lại vài lần không được.

"Mình có giải thích người gọi là nhân viên môi giới bất động sản, mình không thích nghe nên dập máy ngay, nhưng anh vẫn không tin và cho rằng, chẳng nhân viên môi giới nào gọi điện cho khách tư vấn lúc 22h giờ cả", chị Ánh bức xúc thuật lại.

Vợ chồng lục đục vì môi giới bất động sản gọi điện quảng cáo lúc nửa đêm - 1

Nhiều người bức xúc bởi các cuộc gọi quảng cáo nhà đất làm phiền. Ảnh minh họa

Chị Ánh không phải là trường hợp cá biệt bởi sự "kém duyên" của các nhân viên môi giới bất động sản. Nhiều trường hợp nhân viên bán nhà đất gọi điện làm phiền khách hàng đang chạy xe trên đường quốc lộ, hoặc đang trong cuộc họp.

Anh Hùng (38 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc kể, có ngày nhận được cả chục cuộc điện thoại tư vấn mua bất động sản, bảo hiểm, vay lãi... "Bực nhất là có lúc đang ngủ trưa, đang dở việc gì đó lại bị làm phiền bởi các cuộc gọi quảng cáo không mong muốn", anh Hùng nói. 

Khó giải quyết triệt để?

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác. Theo đó, bổ sung mức phạt liên quan đến gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo và gọi điện thoại quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia môi giới bất động sản khẳng định, quy định này chỉ hạn chế một phần tình trạng gọi điện quảng cáo, mời mọc mua - bán các sản phẩm bất động sản, chứ chưa thể giải quyết triệt để tình trạng này.

Anh H., một nhân viên công ty môi giới bất động sản ở Hà Nội giải thích, dữ liệu khách hàng (data) của các công ty môi giới bất động sản rất lớn, số lượng có thể lên tới hàng triệu người. Nếu không khai thác nguồn "tài nguyên" khách hàng tiềm năng này thì vô cùng lãng phí.

Do đó, hằng ngày, bộ phận quản lý hệ thống sẽ giao một tập hồ sơ dài tới hàng chục trang giấy cho nhân viên môi giới tiếp cận khách hàng, thông qua việc gọi điện trực tiếp hoặc nhắn tin.

"Tùy thuộc vào mỗi công ty sẽ có các định mức tiếp cận khách hàng nhau. Ví dụ, như có công ty giao chỉ tiêu theo ngày, phải liên lạc được 100 - 200 khách hàng. Khi khách nhấc máy sẽ được tính là hợp lệ, không cần biết họ có nghe giới thiệu sản phẩm hay không. Trong trường hợp không đủ chỉ tiêu sẽ bị tính KPI và trừ thẳng vào hệ số lương", anh H. nói.

Để "lách luật" và tăng hiệu quả, nhiều công ty bất động sản trang bị thêm điện thoại, sim số cho nhân viên, hoặc 1 tập hồ sơ khách hàng được luân chuyển liên tục để tránh trùng lặp;...

"Dù vậy, sau Nghị định 91, nhiều công ty cũng khuyến khích nhân viên môi giới đa dạng cách tiếp cận khách hàng, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào điện thoại", H. thừa nhận.

Vợ chồng lục đục vì môi giới bất động sản gọi điện quảng cáo lúc nửa đêm - 2

Tin nhắn rác, cuộc gọi rác sống dai dẳng sau khi Nghị định 91 được ban hành. Ảnh: Việt Vũ

Thực tế cho thấy, việc tiếp cận khách hàng bằng điện thoại, tin nhắn đã không còn vị thế độc tôn như 10 năm trước. Thay vào đó, nhiều công ty bất động sản đã xây dựng mạng lưới tư vấn, bán hàng chuyên nghiệp trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, thậm chí là cả Tik Tok;...

Đặc biệt, một số công ty cho phép nhân viên môi giới tự xây dựng website bán hàng riêng theo dạng đa cấp, đa kênh, để tiếp cận tối đa lượng khách hàng tiềm năng.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, việc cấm gọi điện quảng cáo sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, cụ thể là đối với các đơn vị kinh doanh, các môi giới nhà đất.

Tuy nhiên, theo ông Kiệt, chắc chắn bị cấm kênh này thì các đơn vị kinh doanh sẽ có những phương án thay thế khai thác khác để tiếp cận khách hàng. Điều này cũng cho phép khách hàng chủ động tìm kiếm thông tin từ các đơn vị kinh doanh bất động sản.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật đồng tình, xưa nay, các công ty môi giới bất động sản đều tìm kiếm khách hàng dựa trên các cuộc gọi điện thoại. Tư duy này đã không còn hợp với thời đại công nghệ 4.0. Do đó, để thích nghi và để tồn tại, các công ty môi giới buộc phải tìm kiếm các kênh bán hàng hàng mới, thay đổi phương thức marketing để tiếp cận khách hàng.