Vì sao đại gia xây dựng cả nước rơi cảnh bế tắc, xôn xao lo vỡ trận?
(Dân trí) - "Nhà thầu xây dựng không biết phải làm thế nào, làm cũng chết, không làm cũng không xong, thoái lui bỏ công trình bị phạt, muôn sự đổ đầu thầu", đại diện Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam nói.
Giá thép tăng phi mã, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I/2021, đặc biệt ở tháng 4.
Cụ thể, giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý IV/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay, giá thép này được bán 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Trong khi đó, giá do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán cũng chỉ là 13.805 đồng/kg.
Hiệp hội cũng cho biết, không riêng thép Việt Mỹ, tất cả thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30% đến 40% so với quý cuối năm trước.
Trao đổi với Dân trí, chủ một doanh nghiệp kinh doanh thép ở Hà Nội cho biết, đây là đợt tăng giá nhanh và mạnh nhất của thép xây dựng trong nhiều năm qua. Điều đáng lưu ý theo vị này, giá thép chưa có dấu hiệu sẽ "hạ nhiệt" trong thời gian ngắn tới.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, các dự báo trước nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý 2/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo đang điều chỉnh về thời gian thép có thể tăng hết quý III/2021 khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác.
Trước sức ép vô cùng lớn khi giá thép tăng phi mã, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam mới đây đã phải có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân sự đột biến này.
Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, Hiệp hội đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu để tránh những tổn thất không đáng có cho các doanh nghiệp khi giá thép liên tục tăng cao.
Lãnh đạo Hiệp hội này nhấn mạnh các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng).
Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở Xây dựng mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.
Cũng có những phương án chia sẻ được đưa ra tại một số dự án giữa chủ đầu tư với phía nhà thầu. Nhưng theo góc nhìn của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, vấn đề này "không hề đơn giản". Đa số các nhà thầu xác định thiệt hại.
Một chủ thầu khác tại Hà Nội cũng cho biết, thép xây dựng tăng giá đột ngột thời gian ngắn vừa qua cũng đã tác động không nhỏ đối với một số công trình xây dựng, làm "đau đầu" các nhà thầu, cả lớn lẫn nhỏ.
Khó khăn dồn dập đến với ngành xây dựng
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam - cho biết, giá thép chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành xây dựng nên khi giá mặt hàng này tăng đến 40% thì "nhà thầu sao chống đỡ nổi".
"Hiện nay nhà thầu xây dựng không biết phải làm thế nào, làm cũng chết, không làm cũng không xong, thoái lui bỏ công trình thì bị phạt. Muôn sự đổ đầu thầu. Nhà thầu vô cùng khó khăn. Các doanh nghiệp xây dựng đều dùng từ khẩn thiết kêu cứu cơ quan nhà nước xem xét giải quyết cho hợp tình hợp lý", ông Hiệp chia sẻ.
Trong khi đó, vài năm trở lại đây, ngành xây dựng liên tục vấp phải những khó khăn do tác động từ thị trường bất động sản.
"2020 vừa qua có thể khẳng định là năm khó khăn nhất trong lịch sử 33 năm hình thành và phát triển của tập đoàn chúng tôi", ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hòa Bình, nói.
Theo vị này, suốt 3 năm 2018, 2019, 2020 thị trường xây dựng đầy khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư địa ốc được cấp phép xây dựng. Cùng với đó, Covidd-19 ảnh hưởng nặng nề khiến các chủ đầu tư trong lĩnh vực nghỉ dưỡng đều bị thiệt hại lớn, điều này tác động rất lớn đến ngành xây dựng.
Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 cùng những ách tắc về pháp lý đã tác động tiêu cực đến hầu hết các phân khúc trên thị trường bất động sản, bao gồm cả phân khúc nhà ở. Việc số lượng dự án bất động sản được cấp phép giảm mạnh không chỉ khiến các doanh nghiệp địa ốc gặp khó mà còn kéo theo nhóm doanh nghiệp xây dựng cũng chịu những tác động nhất định.