Xuất hiện mặt hàng tăng giá kỷ lục, giá nhà đã đắt sẽ còn đắt hơn?
(Dân trí) - Giá thép tăng kỷ lục cũng sẽ đẩy giá nhà trèo lên mức mới. Trong khi đó giá chung cư ở một số thành phố lớn được đánh giá đã ở mức đắt đỏ, xa tầm tay người lao động.
Từ đầu năm đến nay, giá thép các loại tăng liên tục đang khiến nhiều nhà thầu đứng ngồi không yên vì chi phí tăng, ảnh hưởng rất lớn đến những hợp đồng đã và đang thực hiện.
Trước sức ép khó khăn khi giá thép xây dựng tăng phi mã, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã phải có công văn kiến nghị gửi Chính phủ.
Hiện nay, giá thép xây dựng đang khoảng 18.700 - 18.800 đồng/kg. Mức giá này cao hơn trên 40% so với thời điểm cuối năm 2020. Các nhà thầu xây dựng đang đứng trước nguy cơ mất toàn bộ lợi nhuận thi công, thậm chí là phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến.
Bên cạnh đó, giá thép tăng kỷ lục cũng sẽ đẩy giá nhà lên mức mới. Trong khi đó giá chung cư ở một số thành phố lớn được đánh giá đã ở mức đắt đỏ, xa tầm tay người lao động.
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - cho biết, giá thép tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá nhà sau này. Đáng chú ý theo ông Hải, không chỉ thép mà giá nhiều nguyên vật liệu khác như nhôm, cát… cũng "nhấp nhổm" đem lại nhiều khó khăn cho ngành xây dựng.
Ông Hải cho rằng có thể ngay lập tức giá các căn hộ tại các tòa nhà cao tầng chưa bị ảnh hưởng vì hầu hết dự án đang đi vào hoàn thành thì vẫn chịu mặt bằng giá cũ. "Thực tế tăng thế này đối với những hợp đồng đã ký kết thì nhà thầu sẽ chịu, chủ đầu tư ít ai bù giá. Nhưng sau này nếu giá đầu vào tiếp tục tăng, với các dự án mới chủ đầu tư phải chịu thì họ sẽ phải cộng vào giá thành nhà", ông nói.
Với một tập đoàn xây dựng lớn như Hòa Bình, ông Hải cho biết vẫn có biện pháp kiểm soát rủi ro nhưng cũng không tránh khỏi khi giá thép có biến động quá lớn như hiện nay. Dù có những phương án để cùng phía chủ đầu tư "chia sẻ" nhưng theo ông Hải, thực sự không đơn giản.
"Cũng có những dự án đưa ra điều kiện về trượt giá nhưng không phải dự án nào cũng thế. Tùy từng chính sách của chủ đầu tư, nhiều khi "cứng" quá thì lại không có hợp đồng vì có chủ đầu tư chấp nhận, có bên không", ông bày tỏ.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ cho biết, mỗi công trình khác nhau thì tỷ lệ xây lắp sẽ chiếm tỷ lệ khác nhau. Thông thường dự án cao tầng thì có thể chiếm 60% giá trị là xây lắp,.
Do vậy khi chi phí xây dựng tăng lên, giá nhà ở, đặc biệt nhà chung cư sẽ tăng. Bởi ở các công trình chung cư, giá trị xây lắp chiếm tỷ lệ lớn, trong đó phần thép có thể lên tới 50% tiền vật liệu xây dựng. Khi giá thép sẽ ảnh hưởng đến đơn giá xây lắp, ảnh hưởng mức đầu tư, chủ đầu tư tăng giá thì khách hàng sẽ "gánh".
"Khi khách hàng thấy giá quá cao, không mua được thì sẽ tác động trở lại chủ đầu tư. Thị trường khó hấp thụ thì tồn kho cao", ông Toản nói với Dân trí.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản khác ở Hà Nội cũng cho biết, trước tình hình giá vật liệu xây dựng đầu vào tăng thì phía nhà thầu cùng với chủ đầu tư sẽ bàn thảo các phương án chia sẻ khó khăn.
"Nhìn chung giá vật liệu xây dựng tăng hiển nhiên giá xây dựng sẽ cao hơn, điều này cũng khiến chúng tôi xem xét việc điều chỉnh giá nhà và sẽ phải giải trình cho khách hàng hiểu. Tùy từng kết cấu công trình, giá nhà sẽ có mức tăng khác nhau", vị này chia sẻ.
Bên cạnh giá nguyên vật liệu xây dựng tăng, việc giá đất tăng mạnh ở nhiều địa phương thời gian qua sau cơn "sốt đất" cũng khiến giá nhà "nhấp nhổm" leo lên tầm cao mới.