Vẻ đẹp biệt thự nghỉ dưỡng ven biển Amami lên báo Mỹ
(Dân trí) - Công trình lấy cảm hứng từ kho thóc truyền thống, kiểu nhà đầu hồi bản địa và vỏ ốc xà cừ thường gặp trên đảo Amami, Nhật Bản.
Khu phức hợp nghỉ dưỡng này nằm ở Amami Oshima, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Amami nằm giữa Okinawa và phía nam Kyushu, một hòn đảo cận nhiệt đới với 60 nghìn dân đang chờ UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Sân bay Amami có 40 chuyến bay đến và đi mỗi ngày nên rất dễ tiếp cận. Nền văn hóa độc đáo của đảo nổi tiếng với các bài hát và điệu múa dân gian, chịu ảnh hưởng từ văn hóa của cả vương triều Ryukyu của Okinawa, lẫn phiên Satsuma - vốn thống trị một phần lớn Kyushu dưới thời Edo (1603-1868). Rừng trên đảo đặc biệt phong phú về thực vật và động vật như thỏ Amami lông đen và được các rạn san hô đẹp tuyệt bao quanh.
Canh tác cây ăn quả và trồng mía là những ngành công nghiệp chính cùng với những ngành truyền thống như dệt vải lụa Oshima Tsumugi (loại vải lụa đặc biệt sử dụng kỹ thuật nhuộm bùn dùng để may kimono).
Mặc dù có nhiều điểm hấp dẫn nhưng đảo Amami Oshima lại thiếu chỗ ở dành cho khách du lịch cao cấp.
Vốn sinh ra ở Amami Oshima, kiến trúc sư Yasuhiro Yamashita đã đích thân tìm mặt bằng lý tưởng để xây khu nghỉ dưỡng từ tháng 3 năm 2015. Quá trình xây dựng kéo dài từ tháng 8 năm 2016 tới tháng 11 năm 2017.
Khu phức hợp bao gồm một tòa nhà quản lý với quầy tiếp tân, nhà hàng; 3 căn biệt thự sang trọng có hồ bơi và 10 căn biệt thự song lập, tổng cộng là 14 công trình với 23 phòng nghỉ dành cho khách.
Vị trí của khu phức hợp dốc xuống 25m với một con đường yên tĩnh dẫn xuống vùng biển lặng ở phía Đông Nam. Quá trình thiết kế cảnh quan phục hồi nguyên trạng quang cảnh biển ban đầu trong khi khéo léo đưa các cấu trúc nhà vào môi trường xung quanh.
Kiến trúc sư Yamashita đã làm việc với kỹ sư cấu trúc để phát triển dạng biệt thự có hồ bơi, lấy cảm hứng từ kho thóc sàn nâng truyền thống của người Amami, kiểu nhà mái đầu hồi chóp nhọn bản địa và vỏ ốc xà cừ trên đảo.
Tường bên ngoài và mái được ốp bằng ván gỗ xám bạc - vốn được phát triển riêng cho dự án này bằng cách sử dụng phương pháp nhuộm bùn truyền thống Oshima Tsumugi lên gỗ Itajii. Tấm gỗ giàu tanin chuyển sang màu ghi đậm sau khi được nhúng vào bùn giàu sắt của Amami.
Các tấm ván này được sử dụng cho phần mái của cả những công trình khác. Các căn biệt thự song lập được phân tầng nhịp nhàng, cả về mặt bằng và mặt cắt, phân nửa số này được nối liền qua sân thượng. Mái của nhà hàng xây chồng lên nhau theo những góc lạ, nhô ra một cách linh hoạt, tạo cảm giác xoáy và phức tạp đa lớp cho không gian bên trong. Những hình thức kiến trúc và không gian đa lớp như vậy đều xuất phát từ khái niệm nền tảng kết nối toàn bộ dự án: "Thiết kế xen giữa bên trong" (Designing the In-betweens).
Thiết kế xen giữa bên trong
Amami luôn nằm giữa nhiều thứ khác, cả về địa lý lẫn lịch sử. Kể từ thời trung cổ cho tới thời Edo, nơi này là mục tiêu khai thác, nhiều lần bị vương triều Ryuku và phiên Satsuma tuyên bố chủ quyền. Sau Thế chiến II, Amami được Mỹ quản lý suốt 8 năm trước khi trở về với Nhật Bản năm 1953.
Yamashita nghĩ rằng anh nhận được dự án này vì nhiều lý do. Anh xuất thân từ hòn đảo và đã tạo ra rất nhiều lối kiến trúc đặc trưng với không gian nhỏ gọn, phát triển cấu trúc - phương pháp xây dựng nguyên bản, sử dụng vật liệu địa phương từ nhiều vùng, cũng như nghiên cứu về khách sạn nghỉ dưỡng suốt một thời gian dài.
Khi nhận dự án này, Yamashita đã nghiên cứu lại lịch sử và tự nhiên của Amami, đồng thời tiến hành khảo sát sâu về những công trình nhà ở hiện có trên đảo. Anh kết luận: "Thiết kế tại Amami và dành cho Amami" là vấn đề của "thiết kế xen giữa bên trong".
Khái niệm này bao hàm 5 khía cạnh:
1. Đem lại cảm giác phiêu diêu tự tại giữa biển trời bao la
2. Phục hồi thảm thực vật bản địa bị suy thoái giữa thiên nhiên và hoạt động của con người
3. Kết hợp phong vị truyền thống và mới mẻ, giữa kiến trúc cổ và hiện đại
4. Phát triển một loại vật liệu kiến trúc độc đáo cho Amami, giữa các phương pháp của ngành nghề truyền thống và vậy liệu mới.
5. Cung cấp nhiều loại cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống giữa các giai đoạn, trước khi quần đảo Amami chính thức trở thành di sản thiên nhiên của UNESCO.