Tuần lễ vàng: Kỳ nghỉ mùa xuân rực rỡ của người dân xứ hoa anh đào

PV

(Dân trí) - Mặc dù đông đúc nhưng bầu không khí vui tươi khiến Tuần lễ vàng trở nên vô cùng thú vị đối với bất kỳ ai tình cờ đến Nhật Bản trong dịp này.

Vào mỗi mùa xuân, người dân Nhật Bản lại mong chờ chuỗi ngày lễ quốc gia được gọi chung là Tuần lễ vàng. Kỳ nghỉ này lần đầu tiên được áp dụng kể từ năm 1948 cho đến nay. Tuần lễ vàng là một trong những kỳ nghỉ được trả lương dài nhất trong năm của người dân xứ Phù Tang. Nó bắt đầu từ 29/4 kéo dài đến hết ngày 5/5.

Tuần lễ vàng: Kỳ nghỉ mùa xuân rực rỡ của người dân xứ hoa anh đào - 1

Tuần lễ vàng là kỳ nghỉ được mong chờ nhất trong năm ở Nhật Bản. Nguồn ảnh: Live Japan

Trong Tuần lễ vàng, hầu hết công ty đóng cửa. Do đó, đây là thời điểm được các gia đình Nhật Bản chọn đi du lịch nhiều nhất trong năm. Mặc dù giá vé đi lại và chỗ ở vào dịp này tăng khá cao nhưng nhà ga và sân bay vẫn luôn cực kỳ đông đúc, đặc biệt là vào đầu và cuối của kỳ nghỉ.

Tuần lễ vàng: Kỳ nghỉ mùa xuân rực rỡ của người dân xứ hoa anh đào - 2
Người dân Nhật Bản thường đi du lịch vào dịp nghỉ lễ này. Nguồn ảnh: Live Japan

Có bốn ngày lễ chính lễ tạo nên Tuần lễ vàng. Ý nghĩa của một số ngày có sự thay đổi qua từng thời kỳ.

Ngày 29/4 - Ngày Showa: Đây là ngày dành để kỷ niệm sinh nhật của Hoàng đế Hirohito niên hiệu là "Chiêu Hòa" (Showa), người đã trị vì đất nước Nhật Bản trong 62 năm (29/4/1901 - 7/1/1989). Ngày này ban đầu được tổ chức như một sự kiện sinh nhật của Nhật hoàng cho đến khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi vào năm 1989. Sau đó nó được đổi thành Ngày cây xanh, để tôn vinh tình yêu thiên nhiên của Nhật hoàng Hirohito. Cho đến năm 2007, Ngày cây xanh được chuyển sang ngày 4/5 và ngày 29/4 đổi thành Ngày Showa như hiện tại.

Ngày 3/5 - Ngày Hiến pháp: Ngày 3/11/1946, Thiên hoàng chính thức công bố hiến pháp mới trước nghị viện. Đúng 6 tháng sau đó, 3/5/1947, bản hiến pháp chính thức có hiệu lực. Từ đó tại Nhật Bản, ngày 3/5 hàng năm trở thành ngày nghỉ lễ có tên Ngày Hiến pháp.

Tuần lễ vàng: Kỳ nghỉ mùa xuân rực rỡ của người dân xứ hoa anh đào - 3
Những đàn cá chép nhiều màu sắc được thả bay trên bầu trời chào mừng ngày Thiếu nhi. Nguồn ảnh: H&R Group KK

Ngày 4/5 - Ngày cây xanh: Dành để tôn vinh thiên nhiên tươi đẹp. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng trong mối liên hệ giữa tự nhiên và con người, trân trọng những món quà của thiên nhiên mang lại và ý thức về môi trường của người dân. Như đã nói ở trên, ngày lễ này từng được tổ chức vào 29/4, cho đến khi nó được chuyển đổi như hiện nay vào năm 2007.

Ngày 5/5 - Ngày thiếu nhi: Ngày Thiếu nhi là một ngày lễ quốc gia của Nhật Bản, được tổ chức hàng năm vào ngày 5/5, ngày thứ năm của tháng thứ năm trong năm, và là ngày lễ cuối cùng trong Tuần lễ Vàng. Đó là một ngày dành riêng để tôn trọng nhân cách của trẻ em và để chào mừng hạnh phúc của chúng. Vào ngày này, những đàn cá chép nhiều màu sắc được thả bay trên bầu trời, món ăn truyền thống là  bánh mochi Kashiwa (lá sồi).

Tuần lễ vàng: Kỳ nghỉ mùa xuân rực rỡ của người dân xứ hoa anh đào - 4
Có rất nhiều sự kiện sôi động được tổ chức trong Tuần lễ vàng. Nguồn ảnh: Japan in Viewfinder

Trong Tuần lễ vàng, có rất nhiều sự kiện sôi động được tổ chức trên khắp đất nước Nhật Bản. Các công viên giải trí, sở thú, bảo tàng và trung tâm mua sắm cũng tự tổ chức các sự kiện và chiến dịch riêng để thu hút khách hàng đến vui chơi, giải trí. Xứ Phù Tang trong Tuần lễ vàng có một bầu không khí hoàn toàn khác so với bình thường, náo nhiệt và sôi động hơn bao giờ hết.

Thủ đô Tokyo, trung tâm giải trí của đất nước, có rất nhiều hoạt động nổi bật trong dịp lễ này như La Folle Journée au Japon - một lễ hội âm nhạc cổ điển hay lễ hội thịt - nơi hội tụ rất nhiều loại thịt ngon từ các quốc gia. Tỉnh Fukuoka của Kyushu tổ chức một lễ hội truyền thống đầy màu sắc được gọi là Hakata Dontaku. Ở phía bắc, hoa anh đào nở rộ khắp Hokkaido trong Tuần lễ vàng, vì vậy rất nhiều điểm ngắm hoa anh đào để du khách tận hưởng.

Tuần lễ vàng: Kỳ nghỉ mùa xuân rực rỡ của người dân xứ hoa anh đào - 5
Người dân nhảy múa chào mừng lễ hội. Nguồn ảnh: Japan Guide

Ngoài Tuần lễ vàng, ở Nhật Bản còn có Tuần lễ bạc, bao gồm một chuỗi các ngày lễ liên tiếp diễn ra vào giữa tháng 9. Hai dịp lễ lớn này đã trở thành dịp để người dân Nhật Bản dành thời gian thư giãn bên gia đình và bạn bè sau những ngày làm việc khẩn trương. 

Tuần lễ vàng: Kỳ nghỉ mùa xuân rực rỡ của người dân xứ hoa anh đào - 6
Hoa anh đào nở rộ dịp Tuần lễ vàng. Nguồn ảnh: NotJessFashion

Mặc dù đông đúc nhưng bầu không khí vui tươi khiến Tuần lễ vàng trở nên vô cùng thú vị đối với bất kỳ ai tình cờ đến Nhật Bản trong dịp này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm