Chuyên gia:
Từ vụ cao ốc Postef, cần rà soát các dự án ôm "đất vàng" nội đô và bỏ hoang
(Dân trí) - Theo chuyên gia, để tránh những bất cập như vụ xây cao ốc ở 61 Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội), cần thiết phải rà soát rộng hơn những dự án "quây tôn" bỏ hoang trong vùng nội đô lịch sử.
Cần rà soát lại những dự án "ôm" đất vàng nội đô rồi "quây tôn"
Liên quan tới dự án cao ốc Postef 11 tầng số 61 Trần Phú cạnh quảng trường Ba Đình mà báo chí, dư luận đặc biệt quan tâm những ngày qua, lãnh đạo Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công.
Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội tạm dừng thi công, rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh của báo chí, người dân, giới chuyên môn để có giải pháp thực hiện phù hợp, công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư xây dựng công trình mới.
Theo ý kiến từ một kiến trúc sư, với nơi lõi đô thị có giá trị to lớn như quận Ba Đình, từng công trình, từng con đường, từng công viên, vườn hoa, từng viên đá lót, bảng tên đường đều là những câu chuyện mang giá trị văn hóa. Do vậy, bất kỳ một dự án nào trước khi xây dựng cũng xứng đáng được khảo sát, đánh giá cẩn trọng bởi các đơn vị có chuyên môn hàng đầu trước khi đưa ra phương án quy hoạch cuối cùng.
Đáng chú ý, trao đổi với Dân trí, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội - đã chỉ ra vấn đề lớn nhất của dự án Postef là để quá lâu không triển khai, do vậy phát sinh nhiều bất cập, không phù hợp.
Ông Nghiêm cho rằng nhìn rộng ra từ ồn ào ở dự án 61 Trần Phú, Hà Nội nên có động thái rõ ràng, quyết liệt hơn trong việc rà soát tổng thể các dự án "quây tôn", chậm triển khai vùng nội đô lịch sử.
Theo vị chuyên gia này, Hà Nội vừa qua đẩy mạnh việc thu hồi hàng trăm dự án chậm triển khai, nhưng bao nhiêu dự án ở trong quận trung tâm? "Hiện có rất nhiều dự án chậm triển khai ở khu trung tâm như ở Hoàn Kiếm cũng cần xem xét, rà soát lại", ông Nghiêm nói.
Ngay đối với dự án 61 Trần Phú, ông cũng đặt vấn đề là một dự án để quá lâu chưa triển khai nhưng chưa bị rà soát thì ngoài tồn tại của chủ đầu tư còn có vấn đề của cơ quan quản lý trong việc giám sát các dự án chậm triển khai. "Ở những khu nội đô lịch sử, việc rà soát càng nên diễn ra thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn vì còn liên quan tới giá trị di sản, văn hóa. Nếu cần thiết còn xây dựng cảnh quan mới", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Hà Nội đang xử lý ra sao với các dự án chậm triển khai?
Ngày 8/4, tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
HĐND TP thông qua 15 nhóm biện pháp giải quyết đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thành phố. Trong đó, HĐND TP yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn; thiết lập kỷ cương trong quản lý dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đầu mối giải quyết, rõ quy trình trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai.
Đồng thời, Hà Nội cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư có mục đích phục vụ nhu cầu dân sinh và các dự án kêu gọi đầu tư của TP.
Hà Nội cũng đặt ra vấn đề xử lý kiên quyết, dứt điểm với các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng; các trường hợp cố ý chây ỳ, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi.
Hà Nội cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát, kiếm tra, thanh tra đối với các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai khác (ngoài các dự án đã phân loại, đã xử lý) để phân loại và đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể. Đồng thời, phân loại, rà soát các dự án đã có quyết định chủ trương đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xử lý theo đúng quy định pháp luật; kiên quyết thu hồi với nhà đầu tư không còn phù hợp quy định của pháp luật đầu tư, không có năng lực triển khai dự án. Trường hợp chủ đầu tư chậm, không phối hợp thực hiện thì tổ chức kiểm tra, xử phạt, ngừng, chấm dứt hoạt động của dự án theo pháp luật đầu tư, đề xuất thu hồi đất đã giao theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, có 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất đang được kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.
Đối với 60 dự án với tổng diện tích 95 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng. Chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng.