Từ ngày 1/8, công ty địa ốc hết thời "tay không bắt giặc", làm giàu nhanh

Mộc An

(Dân trí) - TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng sau khi 3 luật về bất động sản có hiệu lực, những hiện tượng doanh nghiệp bất động sản giàu nhanh, "tay không bắt giặc" sẽ không thể tồn tại trên thị trường.

Hết thời doanh nghiệp bất động sản "tay không bắt giặc"

Chia sẻ tại tọa đàm "Tiêu điểm đầu tư bất động sản trong bối cảnh mới" do The Leader tổ chức, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết, theo số liệu thống kê của đơn vị này, hiện cả nước có trên 1.200 dự án sử dụng đất đai đang chờ rà soát với tổng giá trị trên 30 tỷ USD.

Trước thực trạng đó, Chính phủ, Quốc hội đã sửa đổi các luật liên quan đến thị trường như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng.

Trong các luật sửa đổi lần này, quan điểm của các nhà làm luật là nhằm đồng nhất các quy định thể chế, liên quan đến sử dụng đất đai, không để tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, giúp cho các hoạt động đầu tư, sử dụng các nguồn lực đất đai được rõ ràng, minh bạch, hướng đến việc làm thế nào đẩy mạnh năng lực thực tế.

Một trong những quy định mới có thể kể đến là quy định doanh nghiệp trúng đấu thầu có thể bị hủy thầu nếu chậm ứng vốn bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Theo Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đây là điểm mới rất quan trọng quy định Khoản 8 Điều 126 Luật Đất đai năm 2024 quy định khi nhà đầu tư trúng thầu hoặc tổ chức kinh tế do nhà đầu tư trúng thầu thành lập không ứng đủ vốn trong vòng 6 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện BTHTTĐC thì sẽ bị hủy kết quả trúng thầu.

Từ ngày 1/8, công ty địa ốc hết thời tay không bắt giặc, làm giàu nhanh - 1

Luật sư Phạm Thanh Tuấn tham luận tại tọa đàm (Ảnh: BTC).

Quy định này góp phần thúc đẩy trách nhiệm của nhà đầu tư, không chỉ phải đáp ứng năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, nhà đầu tư trúng đấu thầu còn phải bảo đảm đầy đủ nguồn lực về tài chính để ứng vốn ra thực hiện BTHTTĐC theo phương án bồi thường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Mặc dù với các doanh nghiệp quy định mới gây khó khăn, ông Đính lại đánh giá đây là bước sàng lọc để tạo ra cuộc chơi cho những người đủ năng lực. Những doanh nghiệp quá yếu sẽ phải hợp nhất, thị trường sẽ không còn các dự án quá nhỏ nữa.

"Những khái niệm ngày xưa doanh nghiệp bất động sản giàu nhanh, tay không bắt giặc thì trong giai đoạn này khi Luật có hiệu lực thì không thể triển khai được nữa. Doanh nghiệp không thể tay không bắt giặc được nữa", ông Đính khẳng định.

Từ ngày 1/8, công ty địa ốc hết thời tay không bắt giặc, làm giàu nhanh - 2

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại tọa đàm (Ảnh: BTC).

Bên cạnh đó, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho biết đây còn là sự sàng lọc cả nhà đầu tư, khách hàng. Họ phải là những người làm thật mới có thể tham gia thị trường. Những hiện tượng đón sóng, đánh sóng, lãi ảo không còn có thể xảy ra khi các quy định Luật mới ban hành có hiệu lực.

Vẫn có cửa cho doanh nghiệp bất động sản nhỏ và vừa

Dưới góc độ là chủ doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group cho rằng những tác động của 3 Luật liên quan đến bất động sản với các chủ đầu tư vừa và nhỏ không quan trọng bằng việc doanh nghiệp có đủ nguồn lực đáp ứng các yêu cầu về đầu tư dự án.

Từ ngày 1/8, công ty địa ốc hết thời tay không bắt giặc, làm giàu nhanh - 3

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group tại tọa đàm (Ảnh: BTC).

Ông Tuyển lấy ví dụ giống như bóng đá, ông cho rằng, không có luật nào chỉ có lợi, hay có hại cho một nhóm đối tượng cụ thể. Các luật mới ra đời có thể coi là một lằn ranh để các chủ đầu tư bất động sản bám sát, phát triển các sản phẩm phù hợp.

Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam trải dài trên nhiều tỉnh thành với hàng nghìn chủ đầu tư. Do đó đại diện doanh nghiệp này cho rằng vẫn có cơ hội cho các chủ đầu tư vừa và nhỏ. Ông nêu ra một số trường hợp doanh nghiệp nhỏ thành công khi triển khai dự án nhà ở xã hội ở các tỉnh miền núi hoặc khai thác ở các tỉnh thành mà các doanh nghiệp lớn chưa đầu tư.

"Các chủ đầu tư vừa và nhỏ không có lợi thế nguồn lực, nên khó cạnh tranh ở các thị trường lớn. Nhưng cơ hội vẫn có ở các thị trường vùng ven, các thị trường mới", ông Tuyển nhận định.