Treo biển giảm giá 70%, phố khách sạn từng sầm uất nhất Hà Nội vẫn... ế
(Dân trí) - Thiếu vắng khách du lịch và chi phí mặt bằng đắt đỏ đã khiến nhiều khách sạn “mini” tại Hà Nội phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí phải đóng cửa vĩnh viễn.
Hàng loạt khách sạn phố cổ Hà Nội tạm ngừng hoạt động
Kể từ tháng 3/2020 cho tới nay, do thiếu vắng khách du lịch nên nhiều cơ sở lưu trú, đa phần là các khách sạn mini từ 1 đến 2 sao trên phố cổ Hà Nội đã tạm ngừng hoạt động, thậm chí là đóng cửa vĩnh viễn.
Đơn cử như dọc tuyến phố Hàng Bè có 12 khách sạn mini, thì nay chỉ còn một nửa đang hoạt động một cách cầm chừng. Mới đây, một khách sạn 5 tầng trên tuyến phố này còn treo biển sang nhượng lại với giá 69 tỷ đồng.
Nhiều khách sạn trên các tuyến phố khác như: Mã Mây, Hàng Bạc, Hàng Điếu, Hàng Buồm,... cũng chung tình cảnh "cửa đóng, then cài", bên trong không một bóng người.
PV Dân trí đã thử liên lạc số điện thoại được ghi trên bảng hiệu của khách sạn P. trên phố Mã Mây và khách sạn B. trên phố Hàng Bè đều không có người nhấc máy.
Một số người dân sống xung quanh cho biết, 2 khách sạn này từ lâu không có nhân viên lui tới, thi thoảng mới thấy chủ nhà xuất hiện.
Trong khi đó liên hệ với một khách sạn 4 tầng ở phố Hàng Bạc, người đại diện cho biết, đã tạm ngừng hoạt động từ tháng 3/2020, sau khi Chính phủ quyết định giãn cách xã hội.
“Kể từ đầu năm, khi dịch bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, số lượng khách đặt phòng đã giảm một nửa, cho đến tháng 3/2020, số lượng khách đặt phòng gần như về 0, nên chúng tôi quyết định trả mặt bằng, ngừng hoàn toàn hoạt động kinh doanh”.
Ngoài việc vắng khách, một lý do khác khiến nhiều khách sạn mini phải đóng cửa là do chi phí thuê mặt bằng tại phố cổ rất cao, dao động từ 150 - 500 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào diện tích và mặt tiền ngôi nhà.
Chị Thu Hương, đại diện một khách sạn tại phố Hàng Điếu cho biết, dù giá thuê cao nhưng rất ít chủ nhà có động thái giảm giá, hỗ trợ người thuê khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Khách sạn của chị Hương bắt đầu kinh doanh từ cuối năm 2018, tổng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 5 tỷ đồng, bao gồm tiền thuê nhà 1 năm (khoảng 250 triệu đồng), và chi phí cải tạo, sửa sang lại phòng ốc.
Mặc dù mới hoạt động, song tỷ lệ lấp phòng tại khách sạn này luôn đạt 70%, thậm chí vào giai đoạn cuối năm 2019, tỷ lệ lấp phòng có thể lên tới 80 - 95%.
Bước sang năm 2020, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, chị Hương có đề xuất giảm giá thuê mặt bằng để cầm chừng, tuy nhiên chủ nhà viện vào hợp đồng thuê nhà để từ chối. Chính vì thế, chị Hương chấp nhận mất cọc (khoảng 250 triệu đồng) và chấm dứt hợp đồng sớm.
“Cho tới nay, sau gần 5 tháng, do không có người thuê mới nên chủ nhà có gọi điện lại đề nghị hỗ trợ tôi nếu quay lại, nhưng tôi từ chối vì không thấy tiềm năng trong bối cảnh này”, chị Hương nói.
Giảm giá “kịch sàn” nhưng cả tuần chỉ đón... 3 khách
Khảo sát của PV Dân trí cho thấy, bên cạnh hàng loạt các khách sạn mini phải đóng cửa thì vẫn có 1 số ít hoạt động cầm chừng.
Hầu hết, đều treo biển giảm giá “kịch sàn”, từ 50% - 80% giá thuê phòng để kích cầu.
Đơn cử một số khách sạn từ 1 - 2 sao trên phố Hàng Bạc, trước đây có giá thuê phòng khoảng 400.000 - 600.000 đồng/đêm/phòng, thì nay chỉ còn khoảng 200.000 - 25.000 đồng/đêm/phòng.
Trong khi đó, một khách sạn 3 sao trên phố Hàng Bông, trước có giá 800.000 đồng/đêm/phòng, thì hiện tại chỉ còn khoảng 400.000 - 500.000 đồng/đêm/phòng.
Mặc dù giảm giá sâu, thế nhưng, các khách sạn này vẫn lâm vào cảnh ế ẩm, đìu hiu.
Lễ tân tại khách sạn trên phố Hàng Bông cho biết, công suất phòng hiện nay chỉ khoảng 20%, đa phần là khách du lịch nội địa.
Trong khi đó, chia sẻ với PV Dân trí đại diện khách sạn S. trên phố Lương Ngọc Quyến thừa nhận, trong 1 tuần nay chỉ có đúng 3 khách thuê phòng theo giờ và 2 khách thuê ngắn ngày.
“Kể từ khi hoạt động trở lại vào tháng 5/2020, chúng tôi đã cắt giảm hầu hết nhân viên, lễ tân, dọn phòng hầu hết là người nhà. Hiện tại, chúng tôi vẫn hoạt động cầm chừng, chờ đại dịch đi qua”.
Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, thị trường BĐS Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2020 đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng của mảng khách sạn. Trong đó, công suất khách sạn 3-5 sao chỉ đạt 21%, giá phòng trung bình giảm 14% theo quý và giảm 24% theo năm, xuống còn 85 USD/phòng/đêm.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ Covid-19, trong 6 tháng qua đã có 2 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao tiếp tục đóng cửa, chủ yếu ở khu vực Hoàn Kiếm. Bên cạnh đó, nhiều khách sạn đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư đang cân nhắc việc có nên khánh thành hay không.
Theo dự báo của Savills, vào nửa cuối năm 2020, nguồn cung khách sạn sẽ tăng nhẹ với sự xuất hiện của 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao và 1 khách 3 sao, cung cấp hơn 800 phòng. Tuy nhiên, cho tới khi các chuyến bay quốc tế được mở cửa trở lại, nguồn khách chính của thị trường khách sạn vẫn là khách nội địa.