(Dân trí) - Tại TP.HCM hiện nay có gần 10.000 căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang. Nhiều chính sách đã được đưa ra để giải quyết nhưng kết quả vẫn chưa mấy khả quan.
"Mịt mờ" lối thoát cho các khu tái định cư ở TP.HCM
Tại TP.HCM hiện nay có gần 10.000 căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang. Nhiều chính sách đã được đưa ra để giải quyết nhưng kết quả vẫn chưa mấy khả quan.
Hiện trên địa bàn TP.HCM có hàng ngàn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, gây ra lãng phí vô cùng lớn. Dù TP.HCM đã tiến hành bán đấu giá nhưng kết quả thu về vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Điển hình, tại dự án khu tái định cư Bình Khánh (phường Bình Khánh, quận 2) hiện nay là cảnh hoang tàn bao trùm cả một đại đô thị rộng lớn. Những khu nhà cao tầng, hạ tầng được đầu tư bài bản, chỉnh chu nhưng không có một bóng người.
Dự án tái định cư Bình Khánh gồm có 3 khu: Khu 30,2ha Bình Khánh có 4.216 căn hộ. Khu 38,4ha Bình Khánh có 6.220 căn hộ. Khu 17,3ha An Phú – Bình Khánh có 1.844 căn hộ.
Chị Ngọc Hoa - một người kinh doanh tại khu vực tái định cư Bình Khánh - cho hay: Dù đã xây dựng từ lâu, nhưng nhiều năm nay khu tái định cư này vẫn vắng bóng người vào ở. Đồng thời, cũng không có người đi hỏi giá, kiếm người mua.
“Tôi buôn bán ăn uống ở khu vực này kể từ lúc công trình này đang thi công. Hồi đó công nhân đông đúc bao nhiều thì giờ khu nhà này vắng người bấy nhiêu. Xây dựng xong từ lâu nhưng tôi vẫn không thấy dân vào ở, không rõ nguyên nhân sao. Thật sự nhìn rất lãng phí, trong khi ngoài xã hội nhu cầu nhà ở của người dân rất nhiều…” - chị Hoa chia sẻ trong lúc bán hàng.
Ông Trần Đại Nghĩa - Quản lý khu tái định cư Bình Khánh - cho biết: "Hiện nay, đơn vị quản lý phải bỏ ra từ 500 – 600 triệu đồng/tháng để duy trì cho các chi phí bảo vệ, cây xanh, hệ thống cơ điện… Dù ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị quản lý vẫn đang phải cố gắng để duy trì và phải bỏ ra số tiền từ 400 - 500 triệu đồng/tháng".
Tương tự, khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh được TP.HCM bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng để đầu tư 1.939 căn hộ và 529 nền đất từ năm 2004 đến năm 2008 hoàn thành. Tuy nhiên, sau hơn chục năm đưa vào sử dụng, mới có 25% số căn hộ trên có chủ, số còn lại vẫn đang bỏ hoang.
Với việc bị bỏ hoang lâu và thiếu người ở, nhiều nơi ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B bị xuống cấp, hư hỏng, cỏ cây mọc um tùm, hành lang, lối đi bị sụt lún. Bên cạnh đó, hệ thống phòng cháy chữa cháy hư hại, cái mất cái còn, nhiều căn nhà bị nứt.
Anh Lữ Quốc Hưng (khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) cho biết: Khi chuyển về tái định cư ở huyện Bình Chánh rất khó kiếm việc làm. Còn kiếm được việc làm thì rất khó ổn định, phải thường xuyên thay đổi công việc.
Theo người dân nơi đây, chất lượng công trình ở các căn hộ tái định cư cũng rất kém. Người mua phải bỏ thêm rất nhiều tiền để sửa chữa, nâng cấp căn hộ mới có thể vào ở được.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng (ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) thì bày tỏ sự hối hận khi chuyển đến sống ở khu tái định cư. Nguyên nhân là rất khó kiếm việc làm khi chuyển về tái định cư.
“Nếu mà tái định cư thế này thì tôi không lên chỗ này rồi. Đời sống trên này không biết làm gì để ra tiền. Tôi thà ở chỗ cũ còn hơn…” - chị Hằng chia sẻ.
Tại dự án tái định cư số 90 Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng đang trong tình trạng tương tự. Dù đã hoàn thành và đưa vào sự dụng từ lâu, nhưng đến này hàng trăm căn hộ tái định cư vẫn bị bỏ hoang không có người ở. Trong khi đó, người dân thuộc diện bị giải phóng mặt bằng trước đó lại đang trong tình trạng phải đi ở thuê...!
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng: TP.HCM nên chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ. Nếu giá bán thấp hơn thị trường, điều đó là hết sức bình thường. Bởi vì những căn hộ này thuộc diện tái định cư.
“Có một số trường hợp cán bộ đã bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật do liên quan đến đất đai, nhà cửa… Từ đó, định giá khởi điểm đẩy giá lên cao, thậm chí là cao hơn giá thị trường nhiều lần, trong khi đó là nhà tái định cư. Vì vậy, việc đấu giá không thành công là điều hiển nhiên…” - ông Châu cho hay.