TPHCM duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị lấn biển Cần Giờ hơn 2.870ha

Nhật Quang

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ. Tổng mức đầu tư dự án là gần 9 tỷ USD.

Theo đó, vị trí, phạm vi ranh giới Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Dự án có diện tích lập quy hoạch khoảng 2.870ha, gồm 4 phân khu A, B, C và D-E, quy mô tổng dân số gần 230.000 người, có khả năng đón 8-9 triệu lượt du khách mỗi năm.

Mục tiêu phát triển dự án thành khu đô thị du lịch biển, nghỉ dưỡng, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở và khách sạn.

Chi tiết từng phân khu, phân khu A rộng hơn 950ha, một mặt giáp biển Đông (cửa sông Đồng Tranh), một mặt giáp thị trấn Cần Thạnh. Đây sẽ là khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch khu vực cửa ngõ khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Theo quy hoạch, phân khu A được chia thành 8 khu, gồm 4 đơn vị ở và 4 khu chức năng.

TPHCM duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị lấn biển Cần Giờ hơn 2.870ha - 1

Phối cảnh Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (Nguồn: Chủ đầu tư).

Phân khu B có diện tích hơn 659ha, là khu ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ, công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng...), khu cây xanh đô thị và khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo định hướng đô thị hiện đại và thông minh.

Trong phân khu B được chia thành 4 đơn vị ở với tổng dân số dự kiến là 75.000 người và 1 phân khu chức năng là khu du lịch nghỉ dưỡng với định hướng phát triển thành các khu thương mại dịch vụ, dịch vụ du lịch kết hợp với công trình công cộng dịch vụ.

Phân khu C khoảng 318 ha được xác định là khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, khu đô thị hiện đại gồm các khu nhà ở (nhà ở liền kề, biệt thự, nhà ở cao tầng) hiện đại, văn minh.

Phân khu C được chia thành 6 đơn vị ở với tổng dân số tối đa bố trí trong các đơn vị ở là 41.364 người, gồm khu vực công trình hỗn hợp (đất hỗn hợp nhóm nhà ở cao tầng 44 tầng) có dân số tối đa khoảng 8.315 người với định hướng phát triển thành khu thương mại dịch vụ, dịch vụ du lịch kết hợp với một số công trình công cộng dịch vụ.

Phân khu D khoảng 480ha và phân khu E khoảng 458ha (cây xanh và mặt nước), gồm phân khu D là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự) đảm bảo tiêu chí hiện đại và thông minh, còn phân khu E là mặt nước, kênh dẫn và cây xanh sử dụng cấp đô thị.

Điểm nhấn quy hoạch là đại dự án sẽ có sân golf rộng 155ha tại khu A và một tòa tháp Hải Đăng cao 108 tầng tại khu C, được bố trí các khu ở cao tầng, văn phòng và thương mại dịch vụ.

Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư tháng 6/2020, dự án được tăng quy mô đầu tư từ 600ha lên 2.870ha. Tổng vốn đầu tư hơn 217.050 tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD), trong đó vốn chủ sở hữu gần 33.000 tỷ đồng. Dự án hoạt động 50 năm, tiến độ triển khai trong 11 năm.

Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ là chủ đầu tư, dự kiến thực hiện dự án từ tháng 4/2025. Tổ hợp này dự kiến hoàn thành vào năm 2030.

Huyện Cần Giờ được định hướng phát triển thành đô thị vệ tinh của TPHCM, nhưng quỹ đất để phát triển rất hạn hẹp, chỉ khoảng 1.730ha đất đô thị, trong đó có 764ha đất cây xanh, đất làm muối nằm phân tán có thể sử dụng cho đầu tư phát triển.

Vì vậy, chủ đầu tư cho rằng việc phát triển đô thị lấn biển sẽ bảo đảm quỹ đất phát triển, tránh ảnh hưởng đến khu dự trữ bảo tồn sinh quyển Cần Giờ. Chủ trương phát triển về phía biển của huyện Cần Giờ cũng đã được định hướng và cụ thể hóa trong quy hoạch chung TPHCM đến 2025.

Cần Giờ cách trung tâm TPHCM khoảng 50km, hiện đã có tuyến đường Rừng Sác nối đô thị Bình Khánh hiện hữu với đô thị dự kiến Cần Thạnh. Bên cạnh đó, tuyến giao thông vành đai nối Nhà Bè - Cần Giờ - Nhơn Trạch - Quốc lộ 51 - sân bay quốc tế Long Thành sẽ tạo điều kiện đưa Cần Giờ vào mối liên kết với trục phát triển chung của vùng đô thị.