TP. Hồ Chí Minh xin thành lập thành phố phía Đông: Chưa từng có tiền lệ!

(Dân trí) - Nếu thực hiện được thành phố phía Đông, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình “thành phố thuộc thành phố”.

Mới đây, TP. Hồ Chí Minh gây xôn xao dự luận với đề án thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM  trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức.

Theo đó, thành phố phía Đông này sẽ có quy mô hơn 1,1 triệu dân, được bố trí trên tổng diện tích tự nhiên hơn 211 km2. Theo tiêu chuẩn quy định, quy mô dân số của thành phố phía Đông sẽ đạt hơn 779,98% và diện tích tự nhiên cũng đạt hơn 141%.

TP. Hồ Chí Minh xin thành lập thành phố phía Đông: Chưa từng có tiền lệ! - 1

Đề án thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM được xem là chưa có trong tiền lệ. Ảnh minh họa

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sau khi hình thành, khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ kết nối 3 chức năng gồm: trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao, trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.

Việc tạo lập thành phố phía Đông sẽ tạo ra động lực phát triển hơn nữa không chỉ cho khu vực phía Đông TP.HCM mà còn cả các đô thị lân cận như Bình Dương, Đồng Nai…

Chia sẻ với Dân trí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, việc sáp nhập cùng lúc 3 quận là quận 2, quận  9 và Thủ Đức để thành lập “thành phố trực thuộc thành phố” là chưa có tiền lệ.

Trước đây Việt Nam mới chỉ có mô hình “thành phố trực thuộc tỉnh” và “thành phố trực thuộc TW”, nếu thực hiện được thành phố phía Đông, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình “thành phố thuộc thành phố”.

TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, mô hình phát triển đô thị này phù hợp với tốc độ đô thị hóa của Việt Nam và xu thế phát triển chung của thế giới.

“Đề xuất này không trái luật, việc tổ chức mô hình “thành phố thuộc thành phố” đã có quy định trong nghị quyết 1210 của Quốc hội về phân loại đô thị. Việc thành lập thành phố phía Đông sẽ giúp tạo đà cho TP. Hồ Chí Minh phát triển và hạn chế sự phát triển của những “siêu đô thị”. Đây là một ý tưởng rất hay nếu thực hiện được. Không chỉ riêng Việt Nam, mô hình phát triển đô thị như thế này cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng và rất thành công”, ông Nghiêm khẳng định.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, để thành lập được thành phố phía Đông thì TP. Hồ Chí Minh phải xem xét và nghiên cứu rất kỹ. Trước tiên, thành phố này phải đảm bảo và đáp ứng được 5 tiêu chí về phân loại đô thị như: về quy mô dân số, diện tích, hệ thống tổ chức chính quyền đặc biệt là về kinh tế và mối quan hệ với thành phố trực thuộc TW.

Ngoài ra, cần phải có một cơ chế đặc thù giống như một dạng “đặc khu”, trong đó áp dụng chính quyền đô thị trong mô hình quản lý của thành phố phía Đông này. Mô hình này có tính chủ động, tính quyết định cao hơn, bộ máy tinh gọn, vận hành hiệu quả linh hoạt và phù hợp.

“Cần phải xác định được vai trò của thành phố phía Đông trong định hướng phát triển chung của TP. Hồ Chí Minh. Quan trọng nhất là phải xây dựng và gắn với quy hoạch tổng thể, phát triển chung. Có như thế, thành phố phía Đông này mới đảm bảo được sự phát triên bền vững và phát huy được vai trò của mình như định hướng mà TP. Hồ Chí Minh đưa ra”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Trước đó, đánh giá về đề xuất thành lập “thành phố trong thành phố” của TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia kiến trúc, quy hoạch cũng cho rằng, việc thành lập TP phía Đông là chưa có tiền lệ về chính trị và hành chính. Nhưng về mặt đô thị thì đây là một ý tưởng hay song để hiện thực hóa thì cần nhiều thời gian và phải có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.

Hiện nay, khu vực phía Đông của TP.HCM có tiềm năng rất lớn, có điều kiện cần để lập Thành phố. Tuy nhiên, để hiện thực hóa đề án này phải xây dựng được chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển cho cả khu vực này trước, giải quyết trước bài toán về quy hoạch, giao thông sau đó sẽ thành lập bộ máy để lo từ vấn đề quy hoạch tới các nguồn tài chính, tổ chức đầu tư, thực hiện...

Hiệp Nguyễn