Tính đến nay, cả nước có 40.600 căn nhà ở xã hội được hoàn thành

Dương Tâm

(Dân trí) - Từ năm 2021 đến cuối tháng 8, 79 dự án nhà ở xã hội đã được hoàn thành. 128 dự án đang trong quá trình được xây dựng. 412 dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cả nước mới có 79 dự án nhà ở xã hội hoàn thành

Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Theo báo cáo, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành 79 dự án với khoảng 40.600 căn nhà ở xã hội , trong đó Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Tây Ninh, Bình Dương… dẫn đầu cả nước.

Bộ Xây dựng nêu, qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, trong giai đoạn từ 2021 đến nay cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 560.000 căn. Tuy nhiên, mới 79 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, 128 dự án nhà ở xã hội khởi công xây dựng và 412 dự án nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đáng lưu ý, một số địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội cao nhưng chưa có dự án hoàn thành như Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau.

Tính đến nay, cả nước có 40.600 căn nhà ở xã hội được hoàn thành - 1

Một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).

Tổng số lượng căn hộ nhà ở xã hội được khởi công, hoàn thành đến nay đạt khoảng 35,6% mục tiêu đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội, giai đoạn đến năm 2025.

Gói 120.000 tỷ đồng giải ngân còn chậm

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng cho biết, gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội đến nay đã giải ngân được 1.344 tỷ đồng, trong đó 1.295 tỷ đồng cho các chủ đầu tư vay, 49 tỷ đồng cho người mua nhà vay.

Bộ Xây dựng cho biết, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ còn chậm bởi còn ít ngân hàng tham gia. Hiện ngoài 4 ngân hàng gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, mới chỉ có thêm 4 ngân hàng thương mại khác gồm MB, Techcombank, TPBank, VPBank tham gia chương trình.

Một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về cho vay như không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng, không có tài sản khác để thế chấp, chủ đầu tư làm nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp…

Về lãi suất cho vay, hiện gói tín dụng này áp dụng lãi suất còn cao, trong đó 8%/năm với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà. Thời gian ưu đãi ngắn với 3 năm chủ đầu tư và 5 năm với người mua nhà chưa thực sự thu hút người vay.

Bộ Xây dựng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khuyến khích các ngân hàng khác tham gia gói 120.000 tỷ đồng và xem xét giảm lãi suất và nâng thời hạn cho vay gói tín dụng này.