Hà Nội:
Tiết lộ phương án giải quyết nốt 3 tiêu chí để huyện Thanh Trì lên quận
(Dân trí) - Đến nay, việc đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì lên quận đã đạt 24/27 tiêu chí. 3 tiêu chí chưa đạt đã có sự chuyển biến tích cực. Việc giải quyết 3 tiêu chí còn lại này ra sao?
3 tiêu chí chưa đạt
Sáng 15/4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì về tiến độ thực hiện đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận.
Theo ông Nguyễn Việt Phương, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì, tại thời điểm phê duyệt đề án đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì thành quận (tháng 10/2019), huyện này đạt 24/27 tiêu chí. 3 tiêu chí chưa đạt là: cân đối thu, chi ngân sách; mật độ giao thông đô thị; đất cây xanh công cộng trên địa bàn.
Đến nay, chất lượng 3 tiêu chí chưa đạt đã có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, đối với tiêu chí cân đối thu, chi ngân sách, đến hết năm 2021, tỷ lệ cân đối thu, chi ngân sách huyện đạt 52,3%.
Tiêu chí mật độ giao thông đô thị đạt 9,3 km/km2, còn thiếu khoảng 0,7 km/km2 so với tiêu chuẩn quận, tương ứng 50,03 km đường giao thông đô thị.
Còn lại, tiêu chí đất cây xanh công cộng trên địa bàn thì đến hết năm 2021, tỷ lệ đất cây xanh công cộng trên địa bàn huyện đạt 4,5 m2/người, còn thiếu 1,5 m2/người, tương đương thiếu khoảng 41,6 ha đất cây xanh công cộng.
Lộ trình và giải pháp xử lý 3 tiêu chí chưa đạt
Về lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện 3 tiêu chí chưa đạt, lãnh đạo huyện Thanh Trì dự kiến đến hết năm nay, tỷ lệ tự cân đối thu, chi ngân sách của huyện đạt 63,6%; năm 2023 dự kiến đạt 77,5%; năm 2024 dự kiến đạt 98,7% và năm 2025 đạt khoảng 109,1%.
Đối với tiêu chí mật độ giao thông đô thị, giai đoạn 2021-2025, huyện đề xuất thực hiện 46 dự án đường giao thông. Trong đó, 28 dự án thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của huyện, 18 dự án thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của thành phố.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, sau khi hoàn thành 46 dự án này thì dự kiến đến hết năm 2025, số km đường giao thông đô thị tại huyện sẽ tăng thêm khoảng 51,55 km/50,03 km, hoàn thành tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị theo tiêu chuẩn quận.
Còn đối với tiêu chí đất cây xanh công cộng, huyện Thanh Trì đang tập trung đầu tư 18 dự án hạ tầng cây xanh công cộng; 21 dự án kè ao hồ; 13 dự án trung tâm văn hóa kết hợp cây xanh công cộng tại các xã và các dự án hạ tầng kỹ thuật các khu đấu giá, khu tái định cư trên địa bàn huyện. Dự kiến đến hết năm 2022, diện tích đất cây xanh công cộng trên địa bàn huyện sẽ tăng thêm khoảng 49,31ha/41,6 ha cây xanh công cộng còn thiếu.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, đối với 3 tiêu chí của huyện chưa đạt, khó nhất vẫn là tiêu chí về cân đối ngân sách và tỷ lệ đường giao thông đô thị; bên cạnh đó là 5 tiêu chí xã lên phường cũng chưa đạt, huyện cần rà soát lại toàn bộ, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện…
Kết luận buổi làm việc, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, một trong những tiêu chí khó là cân đối thu chi ngân sách. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, huyện cần rà soát lại gần 10.000 hộ sản xuất kinh doanh, nếu đủ điều kiện thì vận động, hỗ trợ để các hộ sản xuất kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp, qua đó, tạo nguồn thu bền vững. Cùng với đó, tăng cường nguồn thu tại các xã, khuyến khích sự chủ động, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ huyện rà soát lại toàn bộ thủ tục để triển khai các dự án thuộc thẩm quyền đầu tư của huyện; cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc thẩm quyền đầu tư của thành phố. Huyện Thanh Trì cần xác định quyết tâm trong toàn hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện lên quận vào năm 2025.