Thuế tối thiểu toàn cầu dưới góc nhìn của nhà đầu tư khu công nghiệp

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Khi "thuế tối thiểu toàn cầu" được áp dụng, việc cạnh tranh trong thu hút FDI sẽ phụ thuộc ngày càng lớn vào chất lượng và dịch vụ cung cấp cho các nhà đầu tư.

Thách thức mới

"Thuế tối thiểu toàn cầu" do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, nhằm giải quyết những rủi ro tiềm ẩn về thuế phát sinh từ quá trình số hóa nền kinh tế, nằm trong Chương trình Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS).

Chính sách này xuất phát từ các nước phát triển - nơi xuất xứ của nguồn vốn đầu tư lớn và đã được 141 quốc gia, vùng lãnh thổ, bao gồm Việt Nam thông qua. Bắt đầu từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên.

Dự kiến, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng tại Việt Nam từ năm tài chính 2024, nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm thiểu thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các "thiên đường thuế", hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý.

Thuế tối thiểu toàn cầu dưới góc nhìn của nhà đầu tư khu công nghiệp - 1
Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Ảnh: KCN Nam Đình Vũ).

Tuy nhiên, ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, ưu đãi thuế hiện là một công cụ để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về chính quốc, khiến các biện pháp ưu đãi thuế không còn mang lại nhiều tác dụng. Để ứng phó với thách thức mới này, tháng 8 năm ngoái, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về thuế tối thiểu toàn cầu.

Nhà đầu tư hạ tầng chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh

Là một nhà đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN), ông Nguyễn Thành Phương- Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - chia sẻ: "Chắc chắn, khi thực hiện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tính cạnh tranh trong thu hút sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đang có những động thái tích cực chuẩn bị những kế sách để đối ứng. Ở góc độ của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN - đối tượng chịu tác động trực tiếp thì cũng cần phải có sự chủ động trước thách thức mới này".

Theo ông Phương, việc quan trọng nhất đó là cần đầu tư và hoàn thiện hơn nữa chất lượng hạ tầng KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại và cung cấp được nhiều tiện ích nhất cho nhà đầu tư. "Việc gia tăng càng nhiều lợi thế cho KCN sẽ càng tăng sức hút đầu tư một cách bền vững. Ưu đãi về thuế suất chỉ là một trong những yếu tố để họ đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư. Nhà đầu tư luôn ưu tiên lựa chọn một điểm đến an toàn, ổn định để đảm bảo dự án của họ được triển khai thuận lợi, bảo toàn được vốn và gia tăng lợi nhuận", ông Phương cho biết.

KCN Nam Đình Vũ do Tập đoàn Sao Đỏ đầu tư nằm trong Khu kinh tế ven biển Đình Vũ - Cát Hải. KCN này đang sở hữu lợi thế lớn về vị trí địa lý khi nằm sát biển và gần các công trình hạ tầng giao thông lớn như Cảng quốc tế Lạch Huyện, Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.... Điều này giúp tối ưu hóa chi phí logistics cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Thuế tối thiểu toàn cầu dưới góc nhìn của nhà đầu tư khu công nghiệp - 2
Cảng Nam Đình Vũ - khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Ảnh: KCN Nam Đình Vũ).

Với diện tích 1.329ha, được chia thành 4 phân khu chức năng liên hoàn bổ trợ lẫn nhau, KCN Nam Đình Vũ đã tạo dựng được môi trường đầu tư kinh doanh hoàn chỉnh, đồng bộ và giàu tiện ích bao gồm: khu công nghiệp, khu cảng biển và logistics, khu dầu khí và hóa chất, khu phức hợp (công nghiệp và kho bãi).

Trong đó, Cảng Nam Đình Vũ là một trong những điểm nhấn đặc biệt của KCN Nam Đình Vũ. Với quy mô 7 bến container, hàng tổng hợp, cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 48.000DWT, có tổng công suất xếp dỡ đạt 20 triệu tấn/năm. Giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của cảng đã đưa vào khai thác đạt hiệu quả cao.

Hiện KCN Nam Đình Vũ cũng đã thu hút rất nhiều khách hàng logistics tiêu biểu như: Germadept, Pantos Hải An, SLP, JD, Allan Logistic, Hai Phong Port Services… tạo thành một hệ sinh thái logistics trong khu công nghiệp. Tới đây, Tập đoàn Sao Đỏ sẽ đầu tư xây dựng cầu cảng hàng lỏng, cung cấp các dịch vụ xăng dầu, gas, khí tự nhiên cho các khách hàng công nghiệp.

Mặt khác, đón bắt xu hướng và làn sóng đầu tư trong bối cảnh mới, Tập đoàn Sao Đỏ đã chủ động thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà xưởng, kho bãi xây sẵn.

Thuế tối thiểu toàn cầu dưới góc nhìn của nhà đầu tư khu công nghiệp - 3
Giai đoạn 2 KCN Nam Đình Vũ đang được lấp đầy (Ảnh: KCN Nam Đình Vũ).

Giữa tháng 5/2022, nhà đầu tư JD Future Explore V Limited (Hồng Kông - Trung Quốc) đã tổ chức lễ khởi công dự án JD Property Logitics Park Hai Phong 1 tại KCN Nam Đình Vũ. Với tổng mức đầu tư là 32 triệu USD, nhà đầu tư này sẽ xây dựng nhà kho cho thuê rộng 5.000-55.000m2.

Dự án Trung tâm công nghiệp GNP Nam Đình Vũ cũng vừa được khởi công với tổng vốn 38,5 triệu USD và sẽ được đưa vào hoạt động từ tháng 7 năm nay để phục vụ nhà đầu tư.