Thu hồi đất 5 căn biệt thự cổ ở di tích lầu Bảo Đại tại Nha Trang

Trung Thi

(Dân trí) - Tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định thu hồi đất 5 căn biệt thự ở di tích lầu Bảo Đại (TP Nha Trang) từ doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng vừa ký quyết định thu hồi đất 5 căn biệt thự di tích lầu Bảo Đại (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) từ Công ty cổ phần Đầu tư Khánh Hà (chủ đầu tư).

Theo quyết định, tổng diện tích đất sẽ thu hồi là hơn 9.200m2. Khánh Hòa giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh quản lý theo quy định.

Thu hồi đất 5 căn biệt thự cổ ở di tích lầu Bảo Đại tại Nha Trang - 1

Toàn cảnh di tích lầu Bảo Đại nhìn từ biển (Ảnh: Trung Thi).

Được biết, sau khi thu hồi, Khánh Hòa sẽ có đề án bảo tồn, sửa chữa đối với 5 căn biệt thự ở di tích lầu Bảo Đại để phục vụ tham quan.

Như Dân trí đã thông tin, vào năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch tại khu di tích lầu Bảo Đại. Đồng thời, giao hơn 13ha đất (bao gồm 5 biệt thự cổ, đất di tích lầu Bảo Đại và núi Cảnh Long cùng mặt biển) cho Công ty cổ phần Đầu tư Khánh Hà thực hiện dự án kinh doanh Bảo Đại resort Nha Trang.

Chủ trương xây dựng resort ở lầu Bảo Đại đã nhận nhiều ý kiến trái chiều của nhân dân Nha Trang, vì lo ngại dự án sẽ tác động tiêu cực đến di tích.

Dù vậy, dự án vẫn tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, các công trình tại dự án này hầu như còn dang dở, một số công trình chỉ xây dựng được phần thô rồi bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên.

Thu hồi đất 5 căn biệt thự cổ ở di tích lầu Bảo Đại tại Nha Trang - 2

Dự án Bảo Đại resort Nha Trang còn dang dở sau nhiều năm triển khai (Ảnh: Trung Thi).

Mới đây, tỉnh Khánh Hòa có đề nghị trả lại 5 biệt thự trong khu di tích để chính quyền quản lý. Yêu cầu này được phía doanh nghiệp chấp thuận.

Di tích lầu Bảo Đại do người Pháp xây dựng cách đây khoảng 100 năm (1923) với kiến trúc ban đầu là 5 căn biệt thự, mục đích làm nơi ở cho các kỹ sư, nhân viên người nước ngoài của Viện Nghiên cứu biển (nay là Viện Hải dương học Nha Trang).

Khoảng từ năm 1940 đến 1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình thường xuyên đến khu di tích này nghỉ dưỡng, giải trí nên từ đó có tên lầu Bảo Đại.