Thu hàng trăm tỷ đồng phí đường dẫn vào cảng hàng không: ACV sẽ phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất?

(Dân trí) - Bộ Tài chính yêu cầu, việc sử dụng đất để đầu tư xây dựng đường dẫn vào nhà ga có mục đích kinh doanh và yêu cầu ACV phải nộp tiền thuê đất (bao gồm cả tiền chậm nộp); phạt hành chính đối với Cảng vụ hàng không trong công tác quản lý đất đai tại Cảng hàng không.

Thu hàng trăm tỷ đồng phí đường dẫn vào cảng hàng không: ACV sẽ phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất? - 1

Qua thanh tra của Thanh tra Chính phủ, 19/21 cảng hàng không đã thu số tiền dịch vụ sân đường trên 550 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Tài chính vừa có Kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).

Kết luận thanh tra cho thấy, một số vấn đề liên quan tới việc thu giá sử dụng dịch vụ đường dẫn vào nhà ga Cảng hàng không tại Tổng công ty. 

Theo báo cáo, Tổng công ty đã thu trong giai đoạn Tổng công ty là doanh nghiệp nhà nước và đến thời điểm Tổng công ty chính thức chuyển sang công ty cổ phần (ngày 1/4/2016) và tiếp tục thu đến thời điểm thanh tra tháng 8/2018. Tại Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến 31/12/2015 có 19/21 Cảng hàng không đã thu dịch vụ sân đường với số tiền gần 551 tỷ đồng nhưng không kiến nghị xử lý về tài chính.

Ngày 21/12/2017, Văn phòng Chính phủ có thông báo về ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình liên quan đến nội dung Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản ly, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng công ty. 

Theo đó giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý việc thu tiền dịch vụ và đường dẫn và nhà ga của Cảng hàng không, thông báo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 3/2018.

Đến ngày 9/4/2018, Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo Thủ tướng và kiến nghị cho phép ACV tiếp tục triển khai thu giá dịch vụ đường dẫn và nhà ga để đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên đối với hệ thống đường dẫn, đặc biệt là nâng cao vai trò đảm bảo an ninh, trật tự, phân luồng tuyến. 

Đồng thời nhằm đáp ứng hài hoà quyền lợi của doanh nghiệp và người sử dụng và bù đắp một phần chi phí hoạt động thường xuyên cho hệ thống đường dẫn vào ga và giao cho ACV nghiên cứu tìm nguồn thu phù hợp khác để đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên của hệ thống này.

“Đến thời điểm thanh tra tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ chưa có văn bản trả lời Bộ Giao thông Vận tải về nội dung nêu trên”, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết.

Theo báo cáo của ACV, từ năm 2016 đến năm 2017, chênh lệch thu chi từ hoạt động thu giá sử dụng dịch vụ đường dẫn vào nhà ga tại 21 Cảng hàng không là 186,8 tỷ đồng (tổng doanh thu 494,9 tỷ đồng, tổng chi phí 308,1 tỷ đồng).

Tổng công ty cho biết, trên cơ sở tài sản là đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không của ACV về quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai thì người sử dụng đất có quyền “hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất”. 

Hiện tại Tổng công ty đang thực hiện công tác quản lý, khai thác, duy tu bả dưỡng, duy trì tiêu chuẩn khai thác, tổ chức phân luồng tuyến, bảo đảm an ninh hàng không… đã được xác định giá trị doanh nghiệp theo phương án cổ phần hoá ACV đã được Thủ tướng phê duyệt. 

Theo quy định của Luật Đất đai, đất dùng để xây dựng đường dẫn vào nhà ga thuộc đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay là loại đất giao không thu tiền sử dụng đất. 

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Cảng vụ hàng không giao đất cho đơn vị theo nguyên tắc: “Trường hợp đất công cộng không có mục đích kinh doanh thì thực hiện theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất. Trường hợp mục đích kinh doanh thì thực hiện theo hình thức thuê đất, thu tiền thuê đất theo pháp luật về đất đai”. 

Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu, việc sử dụng đất để đầu tư xây dựng đường dẫn vào nhà ga có mục đích kinh doanh và yêu cầu ACV phải nộp tiền thuê đất (bao gồm cả tiền chậm nộp); phạt hành chính đối với Cảng vụ hàng không trong công tác quản lý đất đai tại Cảng hàng không.

Kết luận của Bộ Tài chính cũng cho biết, đến thời điểm thanh tra tháng 8/2018, tất cả các khu đất do Cảng vụ hàng không quản lý, Tổng công ty chưa ký hợp đồng, do đó sau khi Tổng công ty ký hợp đồng thuê đất hoặc giao đất từ Cảng vụ hàng không và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo phương án đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, ACV sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, liên quan tới nội dung này, trong một báo cáo vừa gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải lại đề nghị Bộ Tài chính thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc không xử lý kinh tế đối với số tiền ACV đã thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách giai đoạn 2012-2017, do ACV đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách theo quy định.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, thực tế giai đoạn 2012-2017, số tiền thu được từ hoạt động này (khoảng 550 tỷ đồng) đã được ACV hạch toán kế toán, xuất hóa đơn, xác định doanh thu, chi phí, lợi nhuận, trích lập các quỹ của doanh nghiệp theo đúng hướng dẫn chế độ kế toán và đã nộp thuế, nghĩa vụ ngân sách theo đúng quy định.

Liên quan đến bất cập về việc thực hiện Luật Đất đai đối với đất sử dụng xây đường dẫn vào nhà ga hàng không trong Kết luận thanh tra nêu, Bộ GTVT cho biết đã có Văn bản số 12383/BGTVT-KCHT ngày 31/10/2018 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định đối với các loại đất tại cảng hàng không sân bay.

Phương án xử lý sẽ được xác định sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về giao đất, cho thuê đất tại cảng hàng không, sân bay. “Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu đất phục vụ đường dẫn phải nộp tiền thì sẽ truy thu theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Phương Dung