Thị trường bất động sản Đà Nẵng “chết lặng” trong dịch Covid-19
(Dân trí) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho thị trường bất động sản tại Đà Nẵng trở nên tê liệt, hầu như không có giao dịch.
Chưa kịp phục hồi do ảnh hưởng dịch Covid-19 đợt 1, thị trường bất động sản tại Đà Nẵng lại tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 lần 2. Những ngày qua, thị trường bất động sản ở địa phương tâm dịch Covid-19 tê liệt, không có giao dịch.
Anh Trần Phước Hùng, Văn phòng giao dịch bất động sản Tâm Thảnh Thơi (TP Đà Nẵng) cho biết, những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường bất động sản gần như tê liệt hoàn toàn.
“Các giao dịch bất động sản ngưng toàn bộ, các diễn đàn cũng chỉ đăng ký rao hàng cho vui chứ không có sự tương tác”, anh Hùng nói.
Theo anh Hùng, thời điểm này, nếu có mua vào chỉ là một vài nhà đầu tư làm ăn họ thấy lô đất đó quá rẻ thì mới mua, còn nhu cầu của người dân là không có.
“Thị trường bất động sản thời điểm này tê liệt là do tâm lý bất an. Mọi người tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch, không ai còn tâm trí để lo chuyện đất đai. Thêm vào đó, Đà Nẵng đang áp dụng biện pháp cách ly xã hội, những hoạt động kinh doanh không cần thiết sẽ không được hoạt động”, anh Hùng cho hay.
Anh Hùng cũng cho biết, phân khúc khách sạn do ảnh hưởng dịch Covid-19 đợt 1 nên thời gian qua nhiều người rao bán và trong thời gian tới, việc rao bán còn tăng nữa.
Ông Hùng Ngọc Tiến, Trung tâm bất động sản Tiến Phát (TP Đà Nẵng) cũng cho biết, thị trường bất động sản tại Đà Nẵng đang tê liệt, những ngày qua, văn phòng của ông đóng cửa cách ly xã hội và cũng không có giao dịch nào cả.
“Hiện giờ không có giao dịch nên giá cả thị trường cũng không nắm được”, ông Tiến nói.
ThS. Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản Đà Nẵng cho biết, đợt dịch trước, phải khoảng 3 tuần sau khi hết dịch, thị trường bất động sản mới bắt đầu có giao dịch trở lại. Và đợt dịch này chưa thể nói trước được điều gì.
Theo ông Lập, nếu có giao dịch trở lại thì kịch bản sức tiêu thụ chỉ đi ngang hoặc giảm chứ không tăng.
“Do ảnh hưởng cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã làm thay đổi tâm lý của các nhà đầu tư. Dịch bệnh khiến nhà đầu bất an, thêm vào đó giá vàng nhảy múa liên tục khiến lực lượng đầu tư không tham gia thị trường, trong khi đó lực lượng này là chủ yếu. Nhu cầu để ở không nhiều, nếu các nhà đầu tư không tham gia đầu tư thì thị trường sẽ ảm đạm”, ông Lập nói.
Ông Lập thông tin thêm, đối với phân khúc đất nền ở Đà Nẵng giá bán đã giảm từ trước dịch nên sẽ không có sự biến động nữa mặc dù nguồn cung này không còn nhiều.
Đối với phân khúc khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, áp lực về mặt tài chính nên thời gian tới giá cả sẽ giảm sâu hơn.
Báo cáo của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng chứng kiến sự sụt giảm mạnh ở hầu hết các phân khúc do tác động của dịch bệnh. Đặc biệt, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vốn là thế mạnh của Đà Nẵng càng bị ảnh hưởng trầm trọng hơn.
Có thể nói, bất động sản nghỉ dưỡng gần như “ngủ đông” trong suốt thời gian qua. Mặc dù cuối tháng 5 và tháng 6 có những dấu hiệu tích cực trở lại với một vài dự án được đưa ra thị trường nhưng gần như chỉ mang tính chất thăm dò.
Theo dự báo từ DKRA Vietnam, trong giai đoạn cuối năm 2020, nhìn chung sức tiêu thụ của thị trường có thể cải thiện, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Giá bán có thể tiếp tục xu hướng giảm.