TPHCM:

Thị trường ảm đạm, nguồn cung sụt giảm khủng khiếp: Đâu là nguyên nhân?

(Dân trí) - Hàng loạt dự án bị ách tắc thủ tục "công nhận chủ đầu tư" và thủ tục "phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500" là nguyên nhân chủ yếu làm sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở.

Thị trường ảm đạm, nguồn cung sụt giảm khủng khiếp: Đâu là nguyên nhân? - 1

Thị trường TPHCM có dấu hiệu sụt giảm nguồn cung rất rõ nét.

Trong một báo cáo gửi lên Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) có nêu một số vướng mắc liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết và lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.

Về các vướng mắc này, HoREA cho biết, kể từ ngày 1/7/2015, ngày Luật Nhà ở có hiệu lực đến tháng 8/2018, Sở Xây dựng trình và đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc công nhận chủ đầu tư đối với 170 dự án nhà ở thương mại.

Trong đó, bao gồm 44 dự án có quyền sử dụng đất ở, chiếm tỷ lệ 25,9%, đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và đã được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị.

"Phần lớn các dự án này, trước đây đã được UBND thành phố cho chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở (cũ). Thực chất, chỉ có một số ít dự án có diện tích nhỏ tại các quận nội thành mới có 100% diện tích đất ở nếu không bị vướng đất hẻm", HoREA cho hay.

Còn 126 dự án có quỹ đất hỗn hợp, chiếm tỷ lệ 74,1%, phần lớn ở các quận ven và huyện ngoại thành, có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp, đất chuyên dùng. Trong số các dự án này, có 51 dự án đến nay đã hết thời hiệu (thời hạn để hoàn thành các thủ tục đầu tư được quy định trong 12 tháng).

Kể từ tháng 9/2018 đến nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, kể cả 51 dự án đã hết thời hiệu, đều phải thực hiện thủ tục thông qua Sở Kế hoạch Đầu tư để trình UBND thành phố ban hành "Quyết định chủ trương đầu tư" theo quy định của Luật Đầu tư.

"Hiện nay, tất cả các dự án đã có "Quyết định chủ trương đầu tư" và các dự án có quỹ đất hỗn hợp đều bị ách tắc thủ tục "công nhận chủ đầu tư" và thủ tục "phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500". Đây là một nguyên nhân chủ yếu làm sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở, sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước", HoREA cho biết.

Hiệp hội nhận thấy quy định phải có 100% đất ở thì mới được "chỉ định chủ đầu tư" dự án nhà ở thương mại là một vướng mắc rất lớn và cũng là một nguyên nhân chủ yếu gây ách tắc thị trường bất động sản hiện nay. 

"Từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp đã có nhiều Báo cáo lên Chính phủ đề nghị giải quyết vướng mắc do quy định dự án nhà ở thương mại phải có 100% đất ở thì mới được "chỉ định chủ đầu tư", văn bản do Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu ký tên nêu.

Về thủ tục "công nhận chủ đầu tư" dự án có quỹ đất hỗn hợp, Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND thành phố và đã dự thảo nội dung Văn bản đề nghị UBND thành phố báo cáo Chính phủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Theo đó cho rằng, UBND TPHCM cần rà soát, tổng hợp các trường hợp đang sử dụng đất trên địa bàn thành phố có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. 

Trên cơ sở kết quả rà soát nêu trên của UBND TPHCM, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc giao đất theo hình thức chỉ định hoặc chỉ định nhà đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở có tính chất đặc thù, riêng biệt đảm bảo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện".

HoREA cho biết, Hiệp hội thống nhất ý kiến với Sở Xây dựng. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố xem xét bản "Dự thảo Báo cáo rà soát, tổng hợp" do Sở Xây dựng đề xuất, báo cáo Chính phủ giải quyết ách tắc này, để khai thông và đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, tạo điều kiện cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

 Phương Dung