Sống chung với lũ, người dân Hà Lan trồng rau, nuôi lợn trên nóc nhà

(Dân trí) - Được thành lập khoảng 800 năm về trước ở một vị trí không mấy thuận lợi, thành phố Rotterdam vẫn tự hào là đô thị lớn thứ 2 tại Hà Lan và là cảng biển lớn nhất châu Âu nhờ tâm lý “sống chung với lũ”.

Sống chung với lũ, người dân Hà Lan trồng rau, nuôi lợn trên nóc nhà - 1
Người dân Rotterdam “sống chung với lũ” nhờ trồng rau, nuôi lợn trên nóc nhà. Ảnh: Pinterest.

Tương tự như nhiều vùng ngập bởi mưa lũ khác trên thế giới, Rotterdam thường xuyên có mưa to cùng vô số những cơn bão ghé thăm. Sự thay đổi khí hậu khiến lượng mưa lũ tại đây ngày một nhiều hơn. Trong 100 năm qua, lượng mưa tại Hà Lan nói chung đã tăng tới hơn 20%, làm ảnh hưởng nặng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Riêng tại Rotterdam, khoảng 80% diện tích thành phố này nằm dưới mực nước biển và một số khu vực thậm chí thấp hơn đến gần 6m. Bởi vậy việc ngập úng diễn ra quanh năm tại đây, nhất là khi nước từ các con sống lớn tại châu Âu như Rhine, Scheldt hay Meuse đổ về.

Ý tưởng bơm thoát hết nước ra khỏi thành phố trong mùa lũ giờ đây đã không còn hiệu quả và các chuyên gia bắt đầu đưa ra những ý tưởng mới để người dân sống trong cảnh nước ngập dâng cao mà vẫn sinh hoạt được. Đó là đưa hệ thống thoát nước lên các mái nhà, thay vì đặt dưới lòng đất bằng cách trồng rau và nuôi gà, lợn trên đó.

Một mái nhà xanh đủ điều kiện phải được thiết kế để có thể giữ lại khoảng 32,6 lít nước/m2. Đối với các loài vật nuôi như gà, lợn, chúng sẽ được nuôi cách mép mái nhà một khoảng cách nhất định để đảm bảo an toàn và không bị sợ hãi bởi độ cao.

Sáng kiến tưởng chừng như “điên rồ” này lại được người dân Rotterdam ủng hộ và trở nên phổ biến không chỉ ở thành phố này mà còn ở những thành phố khác của Hà Lan. Hiện Rotterdam đã có gần 40,5 ha diện tích nóc nhà dùng để canh tác và nuôi trồng.

Để cổ vũ người dân hơn nữa, chính quyền Rotterdam sẽ hỗ trợ thiết kế cũng như dạy các kỹ thuật liên quan miễn phí. Họ cũng thường xuyên tổ chức hội chợ nóc nhà (Rooftop Days Festival), thu hút hàng nghìn người tham gia để thảo luận và ứng dụng kỹ thuật mới.

Hiện nay, những mảnh vườn nóc nhà tại Rotterdam đã giúp thành phố này hấp thụ khoảng 6.057 m3 nước mỗi ngày, tương đương với khoảng 40.000 bồn tắm, qua đó giảm bớt tình trạng ngập úng do mưa lớn. Chính quyền thành phố lên kế hoạch sẽ tăng gần gấp ba diện tích nuôi trồng trên nóc nhà trong 10 năm tới và đặt mục tiêu hấp thụ 18.927 m3 nước vào năm 2030 nhờ công nghệ này.

Tất nhiên con số này chỉ là một phần nhỏ so với lượng nước đổ về thành phố mùa mưa lũ nhưng mục tiêu chính của dự án là giảm áp lực cho hệ thống thoát nước cũng như đảm bảo sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ngoài ra, dự án còn giúp lọc sạch không khí, duy trì hệ sinh thái, cung cấp thêm không gian sống cho nhiều loài sinh vật trong một môi trường đô thị vốn bị hạn chế. Đồng thời việc trồng cây trên nóc cũng giúp nhiệt độ trong các tòa nhà giảm khoảng 5 độ C và tiết kiệm 7% chi phí điều hòa.

Sống chung với lũ, người dân Hà Lan trồng rau, nuôi lợn trên nóc nhà - 2
Quảng trường Nước Benthemplein (The Water Square), Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: Getty Images.

Rotterdam không chỉ dựa vào dự án trồng cây trên nóc để giảm tải áp lực cho hệ thống thoát nước, họ còn đầu tư xây dựng những quảng trường cùng hầm để xe có thể làm bể chứa nước trong mùa lũ. Dự án quảng trường Benthemplein nằm giữa 2 trường học và một nhà thờ là một dự án như vậy. Quảng trường này có thể chứa hơn 1.817 m3 nước nếu ngập lụt. Vào những ngày khô ráo, nó hoạt động như một quảng trường bình thường, phục vụ nhu cầu tụ tập, giải trí ngoài trời của người dân.

Hiện thành phố đang có khoảng 10 quảng trường cùng hầm để xe có thể chứa nước như vậy và dự định sẽ xây thêm 5 dự án nữa vào năm 2023.

“Sống chung với lũ” đã trở thành một phần cuộc sống của người dân thành phố Rotterdam nói riêng và cả Hà Lan nói chung. Từ một khu làng nhỏ được thành lập gần một con đập trên sông Rotte vào năm 1270, thành phố Rotterdam đã trở thành đô thị lớn thứ 2 tại Hà Lan và là cảng biển lớn nhất châu Âu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm