Di dân phố cổ: Vì sao 22 năm vẫn "giậm chân tại chỗ"?

Việt Vũ

(Dân trí) - Theo TS. KTS Trần Minh Tùng, thay vì thực hiện quá trình giãn dân phố cổ, Hà Nội nên cải tạo hạ tầng nơi này, để đáp ứng khối lượng dân cư khổng lồ.

Kể từ khi UBND Hà Nội công bố Đề án Giãn dân phố cổ vào năm 1998, sau 22 năm thực hiện đã không mang lại nhiều hiệu quả. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính là do người dân phố cổ “chê” khu tái định cư.

Trao đổi với PV báo Dân trí, TS. KTS Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng cho rằng, thay vì thực hiện quá trình giãn dân phố cổ sang khu Việt Hưng (Long Biên), chính quyền Hà Nội nên cải tạo lại khu phố cổ thành nơi đáng sống.

Di dân phố cổ: Vì sao 22 năm vẫn giậm chân tại chỗ? - 1

Đề án Giãn dân phố cổ đã được công bố từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Ảnh: Vũ Đức Anh

Theo UBND Hà Nội, vào cuối năm nay (2020), Đề án Giãn dân phố cổ Hà Nội Giai đoạn II sẽ hoàn thành, bằng việc di dân 5.000 hộ dân sang khu Việt Hưng, thuộc quận Long Biên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất ít hộ dân chấp nhận chuyển sang nơi ở mới. Theo ông, quá trình di dân này liệu có thành công theo đúng tiến độ hay không?

Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số lần thứ 5 cho thấy, khu vực quận Hoàn Kiếm (bao gồm toàn bộ khu phố cổ), mật độ dân số đạt 39.830 người/km2, gấp 137,3 lần mật độ dân số toàn quốc.

Bên cạnh đó, khu phố cổ đa phần là nhà theo dạng hình ống và được xây dựng từ trăm năm trước, nên chất lượng công trình đã xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp để đảm bảo an toàn cho số lượng dân cư khổng lồ như vậy là điều cần thiết.

Tuy nhiên, việc giãn dân, di dân phố cổ là điều bất khả thi và khó có thể thực hiện được trong thời gian tới hay nhiều năm sau nữa.

Di dân phố cổ: Vì sao 22 năm vẫn giậm chân tại chỗ? - 2

Giá đất ở khu phố cổ có nhiều nơi lên đến 1 tỷ đồng/m2. Ảnh: Vũ Đức Anh

Có thể nói, mục tiêu của đề án rất tốt đó là giảm cơ học mật độ dân cư trong khu phố cổ, từng bước cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, như ông nói điều này là khó khả thi. Vậy nguyên nhân do đâu?

Trước đây, một số báo cáo đã nêu, khu vực Việt Hưng (Long Biên), nơi ở mới của người dân phố cổ có sẵn nhà để đón người dân vào ở. Tuy nhiên, người dân lại không vào ở, dẫn đến kế hoạch di dân không đem lại hiệu quả cao như dự kiến.

Do đó, để phân tích vì sao Đề án Giãn dân phố cổ bất khả thi, phải tìm hiểu lý do người dân không chuyển sang nơi ở mới.

Khu phố cổ ở Hà Nội như mọi người biết, điều kiện sống không phải là tốt, thậm chí có những khu nhà ở vẫn còn xuống cấp, xập xệ, tối tăm… ai cũng biết như vậy, nhưng người dân vẫn phải bám ở khu phố cổ.

Bởi, nơi đây gắn liền với sinh kế của người dân, nên nếu di dân thì không khác nào chặn đường sinh kế của người dân, không còn cơ hội kiếm sống.

Bản thân khu phố cổ, vị trí ở đó đã hình thành dạng “buôn có bạn bán có phường”, bây giờ rời khỏi chỗ đó thì họ sẽ mất đứt mối quan hệ bạn hàng, đi một nơi khác khó gây dựng được nghề nghiệp như nơi ở cũ.

Di dân phố cổ: Vì sao 22 năm vẫn giậm chân tại chỗ? - 3

Nhiều căn nhà ở phố cổ xập xệ, xuống cấp có diện tích nhỏ hẹp. Ảnh: Toàn Vũ

Khi không có sinh kế thì kể cả có ở một điều kiện rộng rãi, sung sướng hơn, người dân cũng sẽ tìm mọi cách quay trở lại chốn cũ như một lẽ tất nhiên.

Tôi phân tích thêm, kinh tế của người dân phố cổ theo dạng mắt lưới, mỗi người dân đóng vai trò trong chuỗi lưới của nó nên việc đẩy người dân ra khỏi phố cổ không khác nào đang phá bỏ mắt lưới đó đi.

Điều này sẽ dẫn đến mất ổn định và mất bền vững về trạng thái kinh tế - xã hội ở khu vực đó. Không nên vì câu chuyện mật độ mà phá bỏ đi mạng lưới kinh tế - xã hội đã hình thành từ lâu đời.

Thêm nữa, khu phố cổ mọi thứ đều có sẵn như: Ăn uống, quần áo, vui chơi, giải trí… Khi người dân sang khu vực tái định cư thì lại khó có công trình công cộng, vui chơi, giải trí… Chắc chắn không ai lại đi đổi một khung cảnh sống hấp dẫn lấy một khung cảnh sống bình thường. Vì vậy, nếu làm không khéo sẽ trở thành duy ý chí.

Di dân phố cổ: Vì sao 22 năm vẫn giậm chân tại chỗ? - 4

Căn nhà của vợ chồng ông Hải trong ngõ 107 Hàng Bạc nằm trên nóc nhà vệ sinh tập thể. Ảnh: Toàn Vũ

Được biết, mỗi gang đất trên phố cổ tuy chật hẹp nhưng lại là một khối tài sản khổng lồ. Có nơi, giá đất lên tới 1 tỷ đồng/m2. Đây có phải lý do khiến cho việc di dân đã khó lại càng khó hơn?

Đúng là như vậy, bởi vì người dân vẫn sẽ bám trụ ở đó, nếu không bám thì họ sẽ mất nhiều quyền lợi như: thừa kế, kinh doanh mặt bằng… những thứ này đang cho họ tiền bạc và nhiều lợi ích.

 Cá nhân ông có cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần có một bài toán, hoặc một phương án cụ thể thay cho việc cố giãn dân phố cổ bằng được?

Bài toán di dân phố cổ đã được đặt ra nhiều lần nhưng không có câu trả lời, không có hồi kết. Nhưng, hiện nay trong nghiên cứu đô thị cũng có nhiều người nói đến việc “đô thị nén”, có nghĩa là có những đô thị, có nơi người ta chấp nhận mật độ dân số cao bất thường so với mặt bằng chung. Ở đó, tụ hội hết tất cả các yếu tố để trở thành nơi phát triển, tăng trưởng tốt cho khu vực.

Di dân phố cổ: Vì sao 22 năm vẫn giậm chân tại chỗ? - 5

Căn nhà chỉ vỏn vẹn 2,5m2 của ông Chu Văn Cao nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc phố Thuốc Bắc (Hà Nội). Ảnh: Toàn Vũ

Có thể nói, khu phố cổ được coi là nơi sôi động, năng động nhất của Hà Nội. Nếu giãn dân đi vô hình trung sẽ biến khu vực đó cũng giống như bao nhiêu khu vực ngoại thành khác.

Vì vậy, thay vì cố gắng giãn dân để giống các nơi khác, tôi cho rằng cần tập trung đầu tư, cải thiện hạ tầng để phố cổ có thể tải được một lượng dân cư lớn như vậy. Trên thế giới, đã có nhiều nơi họ chấp nhận như vậy và cũng thay đổi, cải tạo không gian sống, tức là làm lại hạ tầng để có thể chịu được lượng tải dân cư lớn hơn.

Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, mục tiêu đến năm 2020 của Đề án giãn dân phố cổ là di dời khoảng 30.000 dân ra khỏi khu vực để mật độ dân số nơi này giảm xuống mức 50.000 người/km2 so với mật độ khi lập Đề án là 84.000 người/km2.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm